Thời tiết nóng khiến trẻ dễ bị rôm sảy, mất nước, quấy khóc, sốt cao, mệt lả. Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch và khả năng điều tiết thân nhiệt chưa trưởng thành. BS.CKI Nguyễn Văn Toản, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khuyến cáo các gia đình sử dụng điều hòa cần đảm bảo an toàn, phòng tránh viêm đường hô hấp, khô da, nghẹt mũi, viêm phổi.
Nên để điều hòa ở 26-28°C
Nhiệt độ phòng lý tưởng cho trẻ sơ sinh khi sử dụng điều hòa là 26-28 độ C, giúp hạn chế tình trạng khô mũi, khó thở. Cha mẹ không nên để nhiệt độ phòng dưới 25 độ C. Với trẻ sinh non hoặc nhẹ cân, mức nhiệt có thể điều chỉnh cao hơn, cần theo dõi sát sao.
Không để luồng gió thổi trực tiếp vào trẻ
Dù điều hòa hoạt động ở nhiệt độ phù hợp, song luồng gió lạnh thổi trực tiếp vào cơ thể (nhất là vùng đầu, mặt, ngực) có thể khiến bé bị nhiễm lạnh. Cha mẹ nên đặt giường hoặc nôi ở vị trí tránh hướng gió hoặc sử dụng tấm chắn gió nếu cần. Khoảng cách từ trẻ tới điều hòa nhiệt độ tối thiểu là 2 m.

Cha mẹ không nên để gió điều hòa phả trực tiếp vào người của trẻ. Ảnh được tạo bởi AI
Bé mặc quần áo thoáng, không quá dày
Trẻ nên mặc quần áo cotton dài tay mỏng để bảo vệ da nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng. Đội mũ mỏng, đi tất nếu cần thiết, tuy nhiên không nên ủ quá kỹ vì có thể khiến trẻ đổ mồ hôi lưng, dễ nhiễm lạnh khi mồ hôi thấm ngược.
Bổ sung độ ẩm
Điều hòa làm không khí khô, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, da của trẻ. Bác sĩ Toản hướng dẫn gia đình nên đặt một chậu nước trong phòng hoặc sử dụng máy tạo độ ẩm để duy trì độ ẩm ổn định 50-60%. Không nên để độ ẩm vượt quá 65% vì dễ phát sinh nấm mốc.
Vệ sinh điều hòa định kỳ
Bộ lọc điều hòa là nơi tích tụ bụi mịn, vi khuẩn, nấm mốc - những tác nhân gây bệnh đường hô hấp cho trẻ. Vệ sinh lưới lọc định kỳ hai tuần một lần và bảo trì máy lạnh 3-6 tháng mỗi lần để đảm bảo không khí trong phòng sạch sẽ.
Không bật tắt điều hòa liên tục
Thói quen bật điều hòa cho phòng thật lạnh rồi tắt, sau đó lại bật khi nóng gây dao động nhiệt độ mạnh, khiến cơ thể trẻ không kịp thích nghi. Duy trì nhiệt độ ổn định, sử dụng thêm chế độ hẹn giờ hoặc chế độ "sleep" nếu điều hòa có hỗ trợ.
Mở cửa thông thoáng định kỳ
Không nên để trẻ nằm trong phòng điều hòa kín 24/24. Nên mở cửa hoặc tắt máy vài lần mỗi ngày để lưu thông không khí, đón ánh sáng tự nhiên và giảm nguy cơ tồn đọng vi khuẩn trong phòng.
Không nên đưa trẻ từ phòng điều hòa ra bên ngoài đột ngột
Thay đổi nhiệt độ đột ngột là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh bị cảm lạnh hoặc sốc nhiệt. Trước khi đưa bé ra khỏi phòng lạnh, cần tắt điều hòa, mở cửa phòng để không khí hòa dần với nhiệt độ ngoài trời. Trẻ mặc thêm lớp áo khoác nhẹ nếu cần, nhất là vào buổi sáng sớm hoặc ban đêm. Trong trường hợp phải đưa trẻ ra ngoài ngay, cần ủ nhẹ bé trong khăn hoặc áo khoác mỏng, tránh thay đổi môi trường đột ngột.
Nếu trẻ có biểu hiện như ho kéo dài, sốt, thở khò khè, nghẹt mũi, bỏ bú, ngủ li bì hoặc khó thở, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám. Một số trường hợp viêm phổi ở trẻ sơ sinh do sử dụng điều hòa sai cách, biểu hiện không rầm rộ nên rất dễ bị bỏ sót.
Thanh Ba
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |