Triệu chứng của bà Lộc chuyển nặng trong khoảng hai giờ, được gia đình đưa đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cấp cứu. Thời điểm nhập viện, huyết áp bà Lộc tăng đến 200/100 mmHg, trong khi huyết áp bình thường dưới 140/90 mmHg.
Ngày 12/2, BS.CKI Đào Đức Cường, Đơn vị Cấp cứu, cho biết bà Lộc bị đột quỵ giờ thứ ba, tính từ thời điểm khởi phát triệu chứng đột quỵ. Đánh giá tình trạng đột quỵ của bệnh nhân theo thang điểm NIHSS ghi nhận 5 điểm. NIHSS là thang điểm dùng để đánh giá tiên lượng lâm sàng đối với bệnh nhân đột quỵ cấp, điểm càng cao phản ánh mức độ đột quỵ càng nặng.
Bà Lộc chưa từng biết mình tăng huyết áp trước đây, chỉ có bệnh sử vảy nến đã điều trị ổn định. Theo bác sĩ Cường, tăng huyết áp là nguy cơ tiềm ẩn hàng đầu gây ra đột quỵ, khoảng 80% trường hợp đột quỵ có bệnh tăng huyết áp song nhiều người không biết mình mắc bệnh. Bởi tăng huyết áp thường diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu.
Quy trình cấp cứu đột quỵ (Code Stroke) được kích hoạt, giúp kết nối các chuyên khoa cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh... mở lối đi riêng, ưu tiên máy móc sẵn sàng chụp chiếu, xét nghiệm cho bà Lộc khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Kết quả chụp CT 768 lát cắt loại trừ nguy cơ xuất huyết não (xảy ra khi mạch máu não bị vỡ). Các bác sĩ hội chẩn đa chuyên khoa chỉ định truyền thuốc hạ áp tức thì, sau đó huyết áp của bệnh nhân còn dưới 170/100 mmHg giúp tránh nguy cơ tác dụng phụ khi dùng thuốc tiêu sợi huyết.
Người bệnh được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết qua đường truyền tĩnh mạch. Thời gian truyền thuốc tiêu sợi huyết là sau 15 phút tính từ khi vào cấp cứu, còn trong "giờ vàng" (khoảng 3-4,5 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng đột quỵ). Thuốc có tác dụng giúp tái thông mạch máu não sớm, giảm tổn thương não, hạn chế di chứng, tạo điều kiện phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân.
![Ảnh chụp MRI 3 Tesla cho thấy vị trí nhồi máu não (mũi tên đỏ) của bà Lộc. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/u-nao-1739280941-3413-1739281098.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BeIV5Juy90SQ8yWHx-F2gw)
Ảnh chụp MRI 3 Tesla cho thấy vị trí nhồi máu não (mũi tên đỏ) của bà Lộc. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Quá trình cấp cứu truyền thuốc tiêu sợi huyết được tiến hành liên tục trong khi bệnh nhân được chuyển về bệnh viện Tâm Anh để tiếp tục theo dõi, điều trị chuyên sâu. Bệnh nhân được chụp CTA 1975 lát cắt ghi nhận tình trạng hẹp động mạch não sau bên phải dẫn đến nhồi máu bán cầu não phải đồng thời loại trừ nguy cơ tắc mạch máu lớn. Bác sĩ quyết định không can thiệp nội mạch lấy huyết khối, tiếp tục theo dõi sinh hiệu theo quy trình điều trị thuốc tiêu sợi huyết.
Một ngày sau, triệu chứng lâm sàng của bà Lộc cải thiện tốt, NISHH chỉ còn 1 điểm. Kết quả chụp MRI 3 Tesla kiểm tra cho thấy rõ vị trí mạch máu tắc nghẽn và xác định tuần hoàn não của bà trở lại bình thường, không xảy ra biến chứng xuất huyết não có thể gặp của thuốc tiêu sợi huyết.
Sau hai ngày, bà tự đi đứng, vận động nhẹ, nói chuyện linh hoạt, các chỉ số sinh hiệu ổn định. 5 ngày kế tiếp, sức khỏe của người bệnh tiến triển tốt. Bác sĩ kiểm tra, tầm soát các yếu tố nguy cơ tái phát đột quỵ, điều trị ổn định huyết áp, bà xuất viện và tái khám một tuần sau.
![Bác sĩ kiểm tra mức độ hồi phục sức cơ của bà Lộc sau một ngày đột quỵ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/u-naoo-1739280922-1885-1739281098.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=08or7qx4YXeKQOdBTMLKgw)
Bác sĩ kiểm tra mức độ hồi phục sức cơ của bà Lộc sau một ngày đột quỵ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
BS.CKI Nguyễn Tuấn Anh, Đơn vị Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết nhiều bệnh nền tiềm ẩn nguy cơ gây đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch... có thể diễn biến âm thầm hoặc khởi phát triệu chứng không rõ ràng trong giai đoạn đầu. Điều này khiến người bệnh dễ bỏ qua, không đi khám và điều trị kịp thời rất nguy hiểm.
Để phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo mọi người khám sức khỏe định kỳ, người có nguy cơ cao cần tầm soát đột quỵ 1-2 lần một năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Người có biểu hiện nghi ngờ như miệng méo, nói đớ, đau đầu, mờ mắt, yếu liệt tay chân hoặc nửa người... cần được đưa đến cơ sở y tế có chuyên môn cấp cứu đột quỵ gần nhất hoặc gọi đến tổng đài cấp cứu 115 để được hỗ trợ, tránh để lâu nguy hiểm.
Trường Giang
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |