Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Sự ra đời của Thông tư này đang là vấn đề gây tranh cãi rất nhiều, đặc biệt là giáo viên và phụ huynh. Theo đó, giáo viên đang giảng dạy tại các nhà trường không được dạy thêm có thu tiền đối với học sinh mà mình đang phụ trách trên lớp.
Nhiều đồng nghiệp của tôi có con đi học, trước đây vẫn cho con đi học thêm ở nhà thầy, cô giáo trên lớp. Tuy nhiên, từ ngày Thông tư 29 được ban hành, các cô giáo tạm dừng dạy thêm, các phụ huynh đều rất lo lắng. Theo các chị, chương trình học hiện nay còn nặng, nếu chỉ học chính khóa sẽ khó theo kịp. Trong khi đó, cha mẹ nào cũng muốn con học thêm để thi được vào trường chất lượng cao, trường chuyên, top đầu.
Tôi đang công tác tại một trường đại học công lập, có thỉnh giảng bộ môn Tiếng Trung ở một số trường đại học, cao đẳng. Tôi chỉ dạy cho đối tượng là sinh viên hệ chính quy, hệ vừa làm vừa học ở trường, chứ chưa bao giờ mở lớp dạy thêm tại nhà cho học sinh, sinh viên. Tôi cũng chưa từng có ý định mở lớp dạy thêm vì muốn dành thời gian buổi tối kèm cặp con gái học. Tôi sợ nhất là mình mải đi dạy cho con người khác, mà con mình lại không dạy được.
Năm học 2025-2026, con tôi sẽ phải thi chuyển cấp. Tôi dự định khi con học lớp 5 sẽ cho đi học thêm môn Toán, Tiếng Việt để con đăng ký thi vào trường THCS chất lượng cao ở quận Hà Đông và vài trường khác. Bởi lẽ, trường tiểu học con tôi đang theo học là trường tư, chương trình học của con có 65% thời lượng tiết học dành cho các môn Tiếng Anh, Toán tiếng Anh, Khoa học tiếng Anh, tiếng Trung, 35% thời lượng tiết học dành cho các môn khác. Do vậy mà hai môn Toán và Tiếng Việt theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo con tôi được học ít hơn các bạn trường công lập.
Các cô giáo ở trường con tôi không hề mở lớp dạy thêm tại nhà, nhưng khuyên phụ huynh rằng "nếu con nào chưa thực sự giỏi mà có nguyện vọng đăng ký thi vào các trường THCS chất lượng cao của thành phố thì phụ huynh nên cho con đi học thêm ở trung tâm bên ngoài". Cô lo các con không theo kịp các bạn ở trường công lập.
>> 'Dừng dạy thêm chỉ là chữa phần ngọn'
Tôi nghĩ rằng việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu hoàn toàn chính đáng, tùy vào mục đích của học sinh. Tôi hoàn toàn ủng hộ Thông tư 29 vì đúng là học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 thực sự không cần học thêm các môn văn hóa. Chỉ có học sinh lớp 5, muốn thi vào trường THCS chất lượng cao mới cần thiết học thêm. Việc cấm giáo viên không được dạy học sinh chính khóa tại nhà là hoàn toàn hợp lý. Bởi như thế sẽ ngăn tình trạng giáo viên đối xử không công bằng với những học sinh không đi học thêm ở nhà thầy cô.
Thời con gái lớn của tôi học cấp hai, dù tôi sẵn sàng cho tiền đi học thêm nhưng con nhất định không chịu học ở nhà giáo viên mà chỉ chọn trung tâm gần nhà, học giáo viên mình cảm thấy con hiệu quả. Kết quả là có môn học con bị giáo viên trên lớp đánh giá điểm luôn thấp hơn các bạn đi học thêm ở nhà thầy, học thế nào thì môn đó cũng chỉ đạt 7. Tôi tôn trọng lựa chọn của con nên vẫn chấp nhận để con tự chọn trung tâm, giáo viên ôn thi vào lớp 10.
Kết quả là con vẫn thi đỗ vào cả bốn trường đã đăng ký. Từ thực tế đó, tôi nghiệm ra rằng, có những học sinh đi học thêm nhà giáo viên trên lớp nên học bạ đẹp không tỳ vết, nhưng khi thi vào cấp ba chưa chắc đã đỗ vào trường chuyên.
Ngược lại, có học sinh kết quả học tập trên lớp có thể không nằm trong top cao nhất, nhưng lại thi đỗ vào đúng ngôi trường top đầu mình mơ ước. Vì thế, các phụ huynh hãy tin tưởng vào năng lực của con mình, không cần phải cố xin cho con đi học thêm đúng giáo viên dạy con trên lớp để con được ưu ái hơn các bạn khác, không cần phải lo lắng khi con không đi học thêm giáo viên chủ nhiệm. Con học thêm giáo viên nào cũng được, miễn là con học tập tiến bộ hơn so với chính mình là được.
Thông tư mới là một thay đổi tích cực đáng mừng của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề, cần phải thay đổi đồng bộ cả nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và cách thức quản lý giáo dục. Khi học sinh không bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức, không cần đi học thêm vẫn thi đỗ vào cấp hai, cấp ba thì Thông tư mới thực sự mang lại hiệu quả lâu dài. Hy vọng, học thêm sẽ không còn là nỗi ám ảnh của học sinh và phụ huynh, mà trở thành một lựa chọn tự nguyện đúng nghĩa.
- Tôi 'ngồi trên đống lửa' vì con không được học thêm giáo viên trên lớp
- Con tôi điểm thấp hơn bạn bè vì không học thêm giáo viên trên lớp
- Cô giáo lớp 1 thúc ép tôi cho con đi học thêm
- Ám ảnh giáo viên dạy thêm thu nhập 40 triệu
- 'Nhà trường tổ chức dạy thêm thay vì để giáo viên dạy tại nhà'
- Phụ huynh nháo nhác khi tôi dừng dạy thêm