"Tôi ủng hộ cấm dạy thêm, học thêm. Thực tế, dạy thêm đã biến tướng thành một thứ áp lực ngấm ngầm lên học sinh và phụ huynh trong suốt nhiều chục năm qua. Ban đầu là học thêm tự nguyện, nhưng sau dần thành bắt buộc, luật bất thành văn. Nếu học sinh nào không học, điểm số trên lớp cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong khi việc đăng ký học thêm đôi khi chỉ là 'mua sự yên tâm' chứ không thực chất. Từ đó, học sinh bị đẩy vào thế phải chạy đua theo các lớp học thêm mà không rõ mình làm thế vì điều gì?
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, cấm dạy thêm mà không cải tổ chương trình học, không nâng cao thu nhập cho giáo viên, thì cũng chỉ là chữa phần ngọn, chứ không chạm được vào gốc rễ vấn đề của giáo dục. Chúng ta cần một hệ thống giáo dục minh bạch, chương trình học tinh gọn, phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn, để từ đó học sinh có cơ sở để không phải mệt mỏi học thêm từ sáng đến tối.
Tôi không thích việc dạy thêm, học thêm tràn lan vì dễ khiến giáo viên lơ là trong việc giảng dạy chính trên lớp. Nhiều thầy cô chỉ dạy qua loa rồi chạy đua mở lớp dạy thêm bên ngoài nhằm thu tiền. Giáo viên có trách nhiệm lẽ ra phải giảng dạy hết mình ngay từ trên lớp, giúp học sinh hiểu bài trong thời gian ở trường chứ không cần phải chạy theo các lớp học thêm ngoài giờ chỉ để bổ sung kiến thức căn bản.
>> Tôi lo học sinh của mình đi học thêm ngoài khi giáo viên bị siết dạy thêm
Nếu chương trình học hiện nay quá nặng, giáo viên không thể truyền tải hết trên lớp thì cách duy nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cải tiến nội dung ngay, chứ không phải cấm học thêm rồi ép học sinh chỉ được học trên lớp. Hiện nay, tôi thấy nhiều em đi học thêm không phải vì cần, mà vì sợ bị phân biệt đối xử, sợ bị điểm thấp do không theo kịp các bạn đi học thêm. Đây chính là áp lực học tập khủng khiếp với các em.
Tôi cho rằng, gốc rễ vấn đề của giáo dục hiện nay không nằm ở việc cấm hay cho phép dạy thêm, mà nằm ở áp lực vô hình từ hệ thống giáo dục nặng nề và tư duy chuộng bằng cấp của xã hội. Nếu chương trình học vẫn như chiếc áo quá chật, nhồi nhét đủ mọi kiến thức hàn lâm, nhưng thiếu tính thực tiễn, thì dù có cấm triệt để, dạy thêm vẫn sẽ biến tướng dưới nhiều hình thức khác.
Ngược lại, nếu học sinh được học để hiểu, để sáng tạo, thay vì chỉ học để thi, thì việc dạy thêm tự khắc trở về đúng giá trị ban đầu - là nơi bổ sung kiến thức một cách tự nguyện, không phải ép buộc.
Tóm lại, tôi phản đối việc dạy thêm dưới hình thức lợi dụng, biến nó thành công cụ kiếm tiền trên áp lực của học sinh. Nhưng để xử lý tận gốc, cần thay đổi cả chương trình, phương pháp dạy và đặc biệt là tâm lý phụ huynh. Giáo dục không phải là cuộc đua, và việc học thêm cũng không phải là chiếc phao cứu sinh duy nhất. Khi nào chúng ta chấp nhận rằng mỗi đứa trẻ đều có một con đường riêng, khi đó dạy thêm mới không còn là vấn đề nhức nhối của xã hội".
Đó là quan điểm của độc giả Phạm Phương Nam khi nhiều giáo viên, trường học đồng loạt dừng dạy thêm sau Tết. Theo quy định mới của Thông tư 29, có hiệu lực từ 14/2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mà mình đang dạy trên trường.
Quy định này nhận được nhiều sự đồng tình, song cũng còn không ít băn khoăn. Một số ý kiến cho rằng gốc rễ của việc dạy thêm, học thêm là do chương trình học tập nặng, trong khi tâm lý coi trọng bằng cấp của nhiều người còn khá phổ biến. Hiện, chương trình, sách giáo khoa, kỳ thi tốt nghiệp THPT, cách xét tuyển đại học đều mới, tỷ lệ "chọi" vào các trường đại học uy tín ngày càng khốc liệt.
- Cô giáo lớp 1 thúc ép tôi cho con đi học thêm
- Ám ảnh giáo viên dạy thêm thu nhập 40 triệu
- 'Nhà trường tổ chức dạy thêm thay vì để giáo viên dạy tại nhà'
- Phụ huynh nháo nhác khi tôi dừng dạy thêm
- Phụ huynh tìm đến vì tôi dạy thêm chỉ 10 học sinh
- Tôi ngăn vợ mở lớp dạy thêm vì sợ mang tiếng 'làm tiền'