Khám nội tiết cho trẻ có thể giúp theo dõi sự tăng trưởng, dậy thì sớm hay muộn, rối loạn tuyến giáp... Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo bất thường ở trẻ mà cha mẹ nên lưu ý.
Xuất hiện mùi cơ thể
Mùi cơ thể ở người lớn không nhất thiết phải điều trị. Ở trẻ, tuyến thượng thận kích hoạt sớm thường gây ra mùi cơ thể. Đây có thể là biểu hiện của dậy thì sớm hoặc tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh. Gia đình nên đưa bé đến bác sĩ nội tiết để xem xét nguyên nhân.
Tăng trưởng nhanh hoặc quá chậm
Theo biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm đầu tiên trẻ có thể tăng từ 25 cm trở lên và 2 năm tiếp theo tăng 10 cm mỗi năm. Từ 5 tuổi đến tuổi dậy thì, trẻ có xu hướng cao thêm 5-8 cm mỗi năm.
Trẻ có sự khác biệt lớn so với mức chuẩn trong thời gian ngắn là bình thường. Nếu trẻ phát triển quá nhanh hoặc chậm lớn trong hơn 10 tháng thì cha mẹ nên cho con đi khám. Bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ làm các xét nghiệm về lượng hormone tăng trưởng dư thừa hoặc thiếu hụt và các rối loạn khác.
Thiếu cân hoặc thừa cân
Nếu con đang lớn chậm so với biểu đồ tăng trưởng thì cha mẹ nên xem xét nguyên nhân. Ví dụ, trẻ có kén ăn hoặc dùng thuốc điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Đây là nguyên nhân khiến bé khó tăng cân. Cha mẹ nên cho bé đến bác sĩ nội tiết vì có thể đây là dấu hiệu của bệnh cường giáp.
Với trẻ thừa cân, phụ huynh cần đánh giá lại chế độ dinh dưỡng có cân bằng hoặc mức độ hoạt động thấp. Bác sĩ thực hiện xét nghiệm để kiểm tra tình trạng tuyến giáp tìm nguyên nhân trẻ tăng cân nhanh.
Khát nước liên tục, đi tiểu thường xuyên
Thông thường trẻ có những triệu chứng này nhưng vẫn phát triển bình thường, cân nặng khỏe mạnh thì có thể do bé bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Xét nghiệm nước tiểu đơn giản thường có thể xác định UTI. Đôi khi khát nước, đi tiểu thường xuyên cảnh báo tình trạng mạn tính như bệnh tiểu đường. Trong trường hợp này, bác sĩ làm xét nghiệm máu đơn giản để kiểm tra nguyên nhân.
Để trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bao gồm tổng lượng calo, tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trẻ nhỏ cần canxi và vitamin D để ngăn ngừa còi xương, tăng cường chất xơ và tinh bột phù hợp. Trẻ em 6-17 tuổi cần tập thể dục ít nhất một giờ mỗi ngày, giúp đốt cháy năng lượng, tăng cường sức khỏe tim.
Lê Nguyễn (Theo Parents)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |