Chị Hạnh (48 tuổi, TP HCM) gần đây thường xuyên quên nơi để đồ, hay lặp lại câu chuyện cũ, đôi lúc khó tập trung khi làm việc. Ban đầu, chị nghĩ do áp lực công việc hoặc triệu chứng bình thường của tuổi trung niên. Tuy nhiên, khi con gái phát hiện chị gọi nhầm tên người quen và nhầm ngày đi họp phụ huynh, cả gia đình mới quyết định đưa chị đi khám. Kết quả cho thấy chị đang gặp phải tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ (MCI - Mild Cognitive Impairment) và có nguy cơ tiến triển thành Alzheimer nếu không được theo dõi và can thiệp kịp thời.

Nhiều người trẻ có dấu hiệu của suy giảm nhận thức nhẹ. Ảnh: Shutterstock
Không ít người như chị Hạnh đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ mà không biết. Theo Hiệp hội Alzheimer Mỹ, khoảng 12% đến 18% người từ 60 tuổi đang sống chung với suy giảm nhận thức nhẹ. Trong đó, ước tính khoảng 10% đến 15% sẽ tiến triển thành sa sút trí tuệ mỗi năm nếu không được can thiệp kịp thời. Tỷ lệ tiến triển sẽ phụ thuộc vào yếu tố nguy cơ cụ thể. Một nghiên cứu tổng hợp gần đây cho thấy trong vòng trung bình 5,2 năm, khoảng 41,5% người bị MCI tiến triển trong các nghiên cứu thực hiện ở môi trường bệnh viện, trong khi chỉ khoảng 27% người bị MCI tiến triển trong các nghiên cứu thực hiện trong cộng đồng.
Khác với Alzheimer, người bị MCI vẫn có thể sinh hoạt độc lập và tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, họ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như hay quên các sự kiện gần, khó tìm từ diễn đạt khi nói, gặp rắc rối trong việc ra quyết định, khó theo dõi một cuộc trò chuyện, lạc đề, thay đổi tâm trạng bất thường... Điểm đáng lo là nhiều người cho rằng đây chỉ là biểu hiện lão hóa bình thường hoặc do căng thẳng tạm thời, từ đó bỏ lỡ thời điểm vàng để chẩn đoán, điều trị và kiểm soát bệnh.
BS. CK1 Nguyễn Vĩnh Khang, khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM chia sẻ: "Suy giảm nhận thức nhẹ là giai đoạn cảnh báo sớm. Nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời, người bệnh có thể duy trì chất lượng sống và hạn chế tiến triển thành bệnh Alzheimer - một căn bệnh thoái hóa thần kinh chưa có thuốc chữa dứt điểm".

Alzheimer âm thầm tiến triển dần lấy đi khả năng tự chăm sóc bản thân của người bệnh. Ảnh: Shutterstock
Bệnh Alzheimer diễn tiến âm thầm và kéo dài, bắt đầu từ những tổn thương nhỏ ở vùng não điều khiển trí nhớ và nhận thức. Từ lão hóa bình thường, người bệnh có thể chuyển sang giai đoạn suy giảm trí nhớ chủ quan, tiến tới suy giảm nhận thức nhẹ và tiến triển thành Alzheimer. Việc điều trị có thể giúp làm chậm hoặc giảm nguy cơ tiến triển. Ở giai đoạn đầu, các tổn thương thường bắt đầu ở các vùng não liên quan trí nhớ, sau đó lan rộng sang các vùng khác của não, đến giai đoạn cuối, các vùng não bị ảnh hưởng sẽ giảm kích thước rõ rệt. Điều này dẫn đến hàng loạt triệu chứng như quên tên người thân, mất phương hướng, rối loạn ngôn ngữ, cảm xúc và dần dần mất khả năng tự chăm sóc, hoàn toàn phụ thuộc vào người khác trong cuộc sống hàng ngày.
Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu ước tính có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi mắc sa sút trí tuệ, chiếm khoảng 5% dân số trong nhóm tuổi này. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1% trong số đó được chẩn đoán và điều trị chính thức, cho thấy còn nhiều trường hợp chưa được phát hiện hoặc chưa tiếp cận y tế đúng mức. Theo các chuyên gia, việc can thiệp từ giai đoạn MCI được xem là cách tiếp cận hiệu quả để giảm nguy cơ bệnh tiến triển thành Alzheimer.
Để làm được điều này, cần chủ động kiểm soát các yếu tố nguy cơ như bệnh lý mạch máu (tăng huyết áp, xơ vữa động mạch), rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, mỡ máu cao)... vì đây là những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên tế bào não và ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng nhận thức.

Chủ động kiểm soát các yếu tố nguy cơ giúp kiểm soát Alzheimer. Ảnh: Shutterstock
Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Khang khuyến nghị, người có nguy cơ nên kiểm tra trí nhớ định kỳ bằng các công cụ sàng lọc để kịp thời phát hiện những thay đổi sớm. Bên cạnh đó, duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm ăn uống cân bằng dinh dưỡng (giàu omega-3, rau xanh, vitamin nhóm B), vận động thể chất đều đặn, ngủ đủ giấc và tập luyện các hoạt động kích thích tư duy, cũng là chìa khóa giúp bảo vệ trí nhớ lâu dài.
Ngoài ra, giải pháp phòng ngừa đa mô thức bằng các tác nhân dược lý có kiểm chứng khoa học, như chiết xuất Ginkgo biloba EGb 761 với liều 240 mg mỗi ngày, cũng được các chuyên gia khuyến cáo trong các hướng dẫn điều trị về MCI và Alzheimer. Ginkgo biloba EGb 761 đã được nghiên cứu lâm sàng cho thấy hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu não, tăng cường dẫn truyền thần kinh và bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tổn thương, từ đó giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức và hỗ trợ ngăn ngừa tiến triển Alzheimer.
Nghiên cứu gần đây đăng trên Journal of Neurology đã chứng minh thêm vai trò của EGb 761, người bệnh sau đột quỵ sử dụng EGb 761 trong 24 tuần cho thấy cải thiện đáng kể các đánh giá nhận thức, đặc biệt ở nhóm người có dấu hiệu suy giảm nhẹ. Một tổng quan hệ thống gồm 9 thử nghiệm lâm sàng đối chứng với giả dược (946 người bệnh) cũng xác nhận hiệu quả của EGb 761 trong cải thiện chức năng nhận thức ở người bị MCI.
Thế Đan