Tối hôm rồi, tôi đưa con trai bốn tuổi sang nhà ông bà ngoại chơi. Vừa tới nơi, thằng bé reo lên từ ngoài cổng: "Hello ông bà". Tôi khựng lại, còn bố mẹ tôi bật cười.
Tôi từng tự hào vì đã cố gắng đầu tư cho con học Tiếng Anh từ sớm. Từ lúc con lên ba, tôi đã cho con học tại một trường mầm non song ngữ, mở hoạt hình tiếng Anh ở nhà, thi thoảng lại mua sách ngoại văn về đọc cùng con. Tôi không nghĩ có gì sai khi chuẩn bị cho con hành trang hội nhập từ nhỏ. Nhưng giây phút con nói "Hello ông bà", tôi bỗng tự hỏi: Liệu có phải mình đã quá vội vàng không?
Tôi bắt đầu để ý, con mình có thể nói những câu Tiếng Anh đơn giản như "I want water", "Let’s play!", nhưng lại lúng túng khi diễn đạt cảm xúc bằng tiếng Việt. Khi bị đau, thay vì kêu "Mẹ ơi, con đau quá", thì thằng nhỏ chỉ ú ớ hoặc đổi qua tiếng Anh: "It hurts".
Tôi bắt đầu đọc nhiều hơn về giáo dục song ngữ, về vai trò của tiếng mẹ đẻ trong phát triển tư duy và cảm xúc. Những gì tôi tìm hiểu được khiến tôi giật mình. Thì ra, nếu trẻ chưa làm chủ tiếng mẹ đẻ, chưa biết diễn đạt cảm xúc, chưa gắn kết được với những ký ức, hơi thở gia đình bằng chính ngôn ngữ đầu tiên, thì việc tiếp cận một ngôn ngữ khác chẳng khác nào xây nhà trên cát.
>> Con tôi tự tin 9,5 điểm Tiếng Anh tốt nghiệp THPT dù không học thêm ngày nào
Tôi từng sợ con "thua bạn thua bè" nếu không học Tiếng Anh sớm. Nhưng giờ tôi nhận ra điều đáng sợ hơn là con không diễn tả được suy nghĩ bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình. Những câu nói tưởng chừng rất đơn giản như "con ăn cơm chưa?", "mẹ thương con lắm", "đi ngủ ngoan nha" là chiếc dây nối con với cội rễ. Một khi sợi dây ấy lỏng lẻo, liệu con có còn tìm được đường về?
Từ hôm đó, tôi chủ động thay đổi. Ở nhà, tôi dành nhiều thời gian hơn để kể chuyện bằng Tiếng Việt cho con nghe. Mỗi tối trước khi ngủ, tôi và con chơi trò "hôm nay con vui nhất khi nào?" để con có cơ hội chia sẻ hết suy nghĩ của mình, tất nhiên là hoàn toàn bằng tiếng Việt.
Tôi vẫn cho con tiếp xúc với tiếng Anh, nhưng không đặt nặng hay ép buộc nữa. Tôi hiểu rằng, điều con cần bây giờ là sự kết nối, là cảm xúc, là sự an toàn và điều đó chỉ có thể đến khi con thấy mình thuộc về một nơi nào đó bằng chính tiếng nói đầu tiên.
"Hello ông bà" – nghe qua thì dễ thương, nhưng cũng là một lời nhắc nhở nghiêm túc với người làm cha, làm mẹ. Tôi không thể chỉ nghĩ đến tương lai xa xôi mà quên mất hiện tại đang nuôi dưỡng con ra sao? Tiếng mẹ đẻ không chỉ là phương tiện, mà là quê hương trong tâm hồn một đứa trẻ.
- Người bạn 'quên' tiếng Việt khi sang Pháp thăm tôi
- 'Tự hào con nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt'
- 'Có chứng chỉ IELTS từ lớp 8 nhưng chẳng biết dùng làm gì'
- Con tôi học trường công nhưng Tiếng Anh ngang ngửa học sinh chuyên
- Con tôi phải giỏi Tiếng Anh bằng mọi giá
- Học sinh Việt chạy đua Tiếng Anh