"Có khá nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam thích cho con học trường quốc. Những đứa trẻ này lại nói tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ. Còn tiếng Việt thì chúng lại ngại ngùng không dám nói hoặc không thể nói.
Tôi có đứa cháu cũng ở tình trạng mất gốc tiếng Việt như vậy, dù cháu vẫn đi học trường quốc tế và sống chung với gia đình tại Việt Nam. Khi đi ăn với gia đình và bạn bè, cháu hầu như chỉ nói chuyện bằng tiếng Anh với các bạn người Việt. Còn nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, cháu thú nhận mình không giỏi. Vấn đề giỏi hay không chỉ là phần, nhưng vấn đề ở đây là cháu không muốn và không thích nói tiếng mẹ đẻ. Và nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chính quan điểm dạy con của cha mẹ.
Bản thân tôi được học hành ở nước ngoài từ nhỏ. Tuy nhiên, do cha mẹ rất khắt khe, nên anh em chúng tôi đều sử dụng tiếng Việt một cách trôi chảy với người thân trong gia đình. Ngoài ra, tôi cũng là người có quan tâm tới chữ Nôm, chữ Hán, nên đôi khi còn tự tìm hiểu nguồn gốc câu chữ trong tiếng Việt, văn hóa Việt thông qua ngôn ngữ và chữ viết như đã nói ở trên.
Thực sự, để con mất gốc tiếng Việt ngay tại quê nhà là một điều đáng trách, một điều không bao giờ nên để xảy ra. Nguyên nhân và trách nhiệm đều ở cha mẹ. Giỏi tiếng Anh không đồng nghĩa là cần phải mất gốc tiếng mẹ đẻ".
Đó là quan điểm của độc giả Blknemesis về thực trạng mất gốc tiếng Việt đã và đang xảy ra ở nước ta. Người người, nhà nhà đổ xô đi học Tiếng Anh và thi lấy chứng chỉ quốc tế về Tiếng Anh ngay từ bậc mẫu giáo và tiểu học, không chỉ gây ra một sự lãng phí lớn, mà hệ lụy lớn nhất của cơn "cuồng loạn" này còn là sự mất gốc, mai một của tiếng Việt trong thế hệ trẻ. Một sai lầm điển hình của nhiều gia đình là để con không giao tiếp tiếng Việt khi về nhà, mà gần như sử dụng 100% tiếng Anh trong mọi sinh hoạt, học tập, lâu dần khiến trẻ "quên mất" ngôn ngữ mẹ đẻ.
>> 11 năm dạy con 'Tây' nói tiếng Việt
Cùng chung nỗi lo trẻ "mất gốc" tiếng Việt ngay tại quê nhà, bạn đọc Nguyenhuuhieuhs bình luận: "Học hành giỏi giang đến đây mà để con sinh ra là người Việt, lớn lên ở Việt Nam mà không nói được tiếng mẹ đẻ thì có nghĩa lý gì? Tôi thấy nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, cho con học trường quốc tế, nhưng cứ như thể là người nước ngoài, chỉ giao tiếp bằng Tiếng Anh, quên luôn tiếng Việt. Vấn đề là họ rất tự hào khi con giỏi tiếng Anh.
Bản thân tôi chẳng hiểu họ nghĩ gì khi cha mẹ đều là người Việt, sinh ra, lớn lên, học tập ở Việt Nam mà lại để con không thể nói được tiếng Việt một cách bình thường. Giỏi ngoại ngữ là tốt trong bối cảnh hội nhập, nhưng liệu con họ có giỏi hơn người bản địa không? Chỉ nói được tiếng Anh mà không dùng được tiếng mẹ đẻ thì có phải là lợi thế? Sinh sống, học tập, làm việc ở Việt Nam, vậy cớ gì chỉ chú trọng cho con phải giỏi mỗi tiếng Anh, còn tiếng Việt ra sao cũng mặc kệ?".
"Tôi ở nước ngoài nhưng không bao giờ nói tiếng Anh với mấy đứa cháu vì tụi nhỏ đi học ở ngoài toàn bằng tiếng Anh, đã ít tiếp xúc với tiếng Việt, mà những người lớn trong nhà lại không nói tiếng Việt nữa thì sao chúng giữ được cái gốc? Những đứa trẻ sống ở Việt mà không rành tiếng Việt vì được cha mẹ cho học trường quốc tế thì tôi thấy rất đáng xấu hổ.
Nhiều cha mẹ có trình độ tiếng Anh làng nhàng nhưng lúc nào cũng giao tiếp với con ở nhà bằng ngoại ngữ, rồi khoe rằng con mình mấy tuổi mà đã nói được tiếng Anh. Sao họ không khoe con mình giỏi tiếng Việt? Tôi chỉ tán đồng kiểu dạy 'one parent one language' khi phụ huynh đều nói lưu loát ngôn ngữ họ muốn dạy con. Còn hai vợ chồng nếu không thật giỏi ngoại ngữ thì hãy nói và dạy con tiếng mẹ đẻ trước đã, vì đây là ngôn ngữ các bạn giỏi nhất.
Khi đất nước đang phát triển, việc giỏi tiếng Việt và tiếng Anh luôn là lợi thế tốt khi tìm việc. Nếu là nhà tuyển dụng, bạn sẽ chọn một người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng không rành tiếng Việt, chỉ nói được tiếng Anh hay chọn một người giỏi cả hai? Khi bạn sinh ra và lớn lên ở một nơi nhưng không biết tiếng địa phương đó thì nói lên điều gì về bạn?", độc giả Nguyệt kết lại.
- 'Có chứng chỉ IELTS từ lớp 8 nhưng chẳng biết dùng làm gì'
- Tôi bỗng giỏi sau 16 năm 'dốt' Tiếng Anh
- Con tôi học trường công nhưng Tiếng Anh ngang ngửa học sinh chuyên
- 'Giáo viên dạy Toán, Văn phải giỏi Tiếng Anh'
- Làm thợ may nhưng giỏi Tiếng Anh khiến tôi bứt phá
- Con tôi phải giỏi Tiếng Anh bằng mọi giá