Trong buổi cà phê cùng bạn bè, câu chuyện học hành của con cái lại trở thành chủ đề chính của chúng tôi. Dù mỗi đứa trẻ có cách học khác nhau, điểm chung là tất cả đều cần học thêm – trực tiếp cùng thầy cô hoặc học online – để theo kịp chương trình trên lớp. Điều này khiến chúng tôi tự hỏi: liệu chương trình học hiện tại có đang quá tải với học sinh?
Một điều dễ nhận thấy là sự khác biệt rõ rệt giữa chương trình học trước đây và bây giờ. Theo đánh giá của nhiều phụ huynh, chương trình mới không chỉ dày đặc kiến thức mà còn mang tính hàn lâm, xa rời thực tiễn: "Nếu chương trình học vẫn như chiếc áo quá chật, nhồi nhét đủ kiến thức hàn lâm, thiếu thực tiễn, thì dù cấm triệt để, dạy thêm vẫn biến tướng".
Theo dõi nội dung các bộ sách giáo khoa hiện nay, chúng tôi thực sự bất ngờ vì trẻ em tiểu học ngày nay đang phải tiếp cận những kiến thức mà trước đây được dạy muộn hơn rất nhiều. Giải toán "tìm x" xuất hiện từ cuối lớp 1, suy luận giải biểu thức có ngay từ lớp 3. Môn tiếng Việt lớp 2 yêu cầu viết thư, viết văn miêu tả, còn sang lớp 3 đã phải học viết thông báo, quảng cáo. Không chỉ vậy, ngoài các môn chính, nhiều trường còn bổ sung hàng loạt môn phụ như tiếng Anh, tin học IC3, STEM, bơi lội...
Lên lớp 4, khi số môn học tăng vọt: Tiếng Việt, Toán, Lịch sử, Địa lý, Khoa học, Đạo đức, Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể chất..., một học sinh thông minh, chăm chỉ có thể vượt qua lớp 1, 2, 3 dễ dàng, nhưng nếu không học thêm ở lớp 4, liệu có thể theo kịp không? Hay dù không muốn, phụ huynh vẫn phải chấp nhận cho con đi học thêm chỉ để đảm bảo con không bị tụt lại?
>> 'Toàn học sinh khá, giỏi, sao còn phải học thêm?'
Rất nhiều người cho rằng bản thân không quan trọng thành tích của con, nhưng không ai chấp nhận con mình học dở, ngồi nhầm lớp hay ở lại lớp vì học yếu. Đây có thực sự là tâm lý chuộng thành tích hay chỉ đơn giản là nỗi lo chính đáng trước một chương trình học quá nặng? Phải chăng vấn đề không nằm ở việc học thêm mà là ở chính nội dung chương trình chính khóa?
Thực tế, nhiều phụ huynh lựa chọn để giáo viên chủ nhiệm dạy phụ đạo cho con, bởi họ hiểu rõ năng lực học sinh và có thể hướng dẫn sát sao hơn. Với sĩ số lớp học lên đến 45-50 em, giáo viên rất khó có đủ thời gian để kèm từng học sinh yếu hơn. Vậy có nên xem xét lại chính sách quản lý dạy thêm? Thực tế vẫn có rất nhiều giáo viên tận tâm, đạo đức và hết lòng vì học sinh.
Theo quan điểm của tôi, nếu giáo viên nào vi phạm những quy chuẩn như ép học sinh đăng ký học thêm, nâng điểm sai, có những hành động sai trái thì cần xử phạm nghiêm, không cho tiếp tục đứng lớp. Có lẽ điều cần làm không phải là cấm đoán dạy thêm một cách cứng nhắc, mà là điều chỉnh chương trình học sao cho hợp lý hơn. Nếu chương trình vẫn nặng nề như hiện tại, dù có cấm dạy thêm, thị trường học thêm vẫn sẽ tồn tại – chỉ là dưới những hình thức tinh vi hơn mà thôi.
Trong khi trẻ em 7-8 tuổi ở Việt Nam đang phải gồng mình với hàng loạt môn học và bài tập dày đặc, thì tại các nước Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch, hay Australia, Mỹ... phương pháp giáo dục lại hoàn toàn khác biệt:
Ở Phần Lan, trẻ dưới 10 tuổi không bị áp lực bởi điểm số hay bài tập về nhà nặng nề. Thay vào đó, trẻ dành phần lớn thời gian khám phá, trải nghiệm qua các trò chơi, hoạt động ngoài trời, giúp phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng sống.
Tại Australia, chương trình tiểu học chú trọng vào việc học thông qua thực hành và tương tác, thay vì nhồi nhét lý thuyết. Giáo viên khuyến khích học sinh tự khám phá kiến thức, đặt câu hỏi và tham gia các dự án nhỏ để ứng dụng bài học vào thực tế.
Ở Mỹ, trẻ cũng được học theo cách tương tự, với nhiều giờ học linh hoạt, kết hợp giữa đọc sách, hoạt động nhóm, và chơi sáng tạo để phát triển kỹ năng tư duy độc lập.
Những nghiên cứu về giáo dục đã chỉ ra rằng, với trẻ dưới 10 tuổi, học qua chơi mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với học theo kiểu ghi nhớ máy móc. Trẻ cần thời gian để quan sát, thử nghiệm, khám phá và kết nối kiến thức với cuộc sống thực tế. Khi bị ép học quá nhiều, trẻ không chỉ mất đi niềm vui học tập mà còn dễ bị căng thẳng, mất động lực và thậm chí là sợ học. Nếu vậy, nội dung chương trình sách giáo khoa ở ta có đang đi quá xa trong việc đặt gánh nặng lên vai trẻ em tiểu học?
- 'Dừng dạy thêm sẽ chỉ có lợi cho học sinh'
- Tôi lo học sinh của mình đi học thêm ngoài khi giáo viên bị siết dạy thêm
- Tôi 'ngồi trên đống lửa' vì con không được học thêm giáo viên trên lớp
- Con tôi điểm thấp hơn bạn bè vì không học thêm giáo viên trên lớp
- Cô giáo lớp 1 thúc ép tôi cho con đi học thêm
- Ám ảnh giáo viên dạy thêm thu nhập 40 triệu