Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra, chia làm ba loại gồm cúm A, B, C. Loại A và B gây dịch cúm hàng năm, loại C cũng gây triệu chứng cảm cúm nhưng ít nghiêm trọng hơn. BS.CKII Nguyễn Lê Ngọc, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết virus gây bệnh cúm có thể biến đổi cấu trúc di truyền, tạo thành chủng virus mới có khả năng kháng lại miễn dịch trước đó. Tại Việt Nam, virus cúm thường gặp là A/H1N1, A/H3N2, cúm B.
Thời điểm mùa đông xuân tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng cúm mùa, sởi, sốt phát ban... Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi.
Tùy thuộc vào cơ địa, độ tuổi, thể trạng sức khỏe mà trẻ mắc cúm có triệu chứng khác nhau. Trẻ nhiễm virus có thời gian ủ bệnh ngắn 1-4 ngày, trung bình khoảng 48 giờ, trong những trường hợp nhẹ triệu chứng giống cảm lạnh thông thường (đau họng, chảy nước mũi). Triệu chứng cúm điển hình như sốt cao, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, khớp, mệt mỏi, chóng mặt, biếng ăn, ho, đau họng. Thông thường, bệnh có thể hồi phục trong 1-2 tuần.
Tuy nhiên, với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính, cơ địa suy giảm miễn dịch, cúm dễ biến chứng nặng, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, viêm não - màng não, suy đa tạng, tử vong... Nhiều người có tâm lý chủ quan nghĩ cúm là bệnh nhẹ tự khỏi, không có biện pháp phòng ngừa và không đi khám khi bệnh diễn tiến. Tất cả trường hợp cúm có biến chứng nên được nhập viện theo dõi.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo phụ huynh nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cúm cho trẻ.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, hạn chế cho trẻ đến nơi đông người
Virus cúm lây truyền qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc trẻ tiếp xúc với bề mặt (đồ chơi, tay nắm cửa, ly chén...). Phụ huynh nên hạn chế cho trẻ đến các nơi đông đúc, đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng với nước sạch, dung dịch sát khuẩn, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, vệ sinh mũi họng.
Tiêm vaccine phòng cúm
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cần tiêm vaccine cúm đầy đủ giúp tăng cường hệ miễn dịch phòng bệnh. Hiệu lực bảo vệ của vaccine cúm mùa kéo dài khoảng 6-12 tháng. Các chủng virus cúm biến đổi từng năm, do đó, trẻ nên được tiêm vaccine cúm nhắc lại hàng năm nhằm hỗ trợ cơ thể tiếp tục tạo kháng thể chống lại sự xâm nhập, tấn công của virus. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm phòng cúm làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh đến 70-80%. Tiêm phòng cúm sẽ hạn chế các biến chứng nguy hiểm, nhất là khi dịch bệnh bùng phát.
Không cho trẻ tiếp xúc với gia cầm, ăn uống đủ chất, giữ ấm cơ thể
Virus cúm cũng có thể lây truyền từ gia cầm sang người nên trẻ cũng cần hạn chế tiếp xúc với gia cầm, ăn chín uống sôi. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất giúp đảm bảo sức khỏe, tăng cường đề kháng cho trẻ. Vệ sinh nhà cửa, không gian sống sạch thoáng mát cũng giảm nguy cơ virus gây bệnh. Ở một số địa phương có thời tiết lạnh, phụ huynh nên giữ ấm cơ thể cho trẻ để phòng bệnh.
Điều nên làm khi trẻ có dấu hiệu cúm
Phụ huynh nên đưa con nên đưa đến cơ sở y tế để khám và được hướng dẫn điều trị. Trường hợp trẻ bệnh nhẹ có thể theo dõi và điều trị tại nhà, phụ huynh chú ý theo dõi biểu hiện bệnh. Khi thân nhiệt đo ở nách trên 38,5 độ C, phụ huynh cho bé uống thuốc hạ sốt (liều paracetamol 10-15 mg/kg/lần, cách 4h-6h một lần, không quá 60 mg/kg/ngày). Tùy thuộc vào triệu chứng, mức độ nghiêm trọng và thể trạng sức khỏe của từng trẻ, bác sĩ cân nhắc kê toa thuốc với liều lượng phù hợp.
![Bác sĩ Ngọc khám cho bệnh nhi. Ảnh minh họa: Giản Đơn](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/image001-1739239902-5764-1739240042.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-oRgkT85ihR4GXG2HXk6FQ)
Bác sĩ Ngọc khám cho bệnh nhi. Ảnh minh họa: Giản Đơn
Bệnh cúm khiến trẻ mệt mỏi, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa nên cần chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trong thời gian bị bệnh, trẻ có thể bị mất nước và điện giải cần uống đủ nước mỗi ngày. Đồng thời bổ sung các loại vitamin, điện giải thông qua rau củ, trái cây như cam, quýt, chuối... có thể giúp ích cho quá trình hồi phục sức khỏe của trẻ.
Trẻ sốt cao chưa đáp ứng với thuốc hạ sốt, cha mẹ có thể dùng khăn mềm thấm nước ấm (nhiệt độ của nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể 1-2 độ C), vắt khô và lau khắp người. Không nên dùng nước lạnh, rượu hoặc cồn để lau người cho trẻ vì có thể nhiễm lạnh, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Trẻ có biểu hiện quấy khóc nhiều, li bì, co giật, sốt cao liên tục đáp ứng kém với thuốc hạ nhiệt, mất nước (môi khô, khóc không ra nước mắt, nước tiểu ít và vàng), ăn uống kém, ho nhiều, khó thở... cần được đưa ngay đến cơ sở y tế.
Phụ huynh không tự ý mua thuốc và sử dụng các thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
Đơn Thương
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |