Đối với trẻ sơ sinh, bú kém có thể dẫn đến mất nước và táo bón, vì vậy việc đánh giá thói quen bú, cân nặng của trẻ là rất quan trọng. Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn ít khi bị táo bón. Cha mẹ lưu ý, đi tiêu không thường xuyên không có nghĩa là bị táo bón nếu phân của con bạn mềm.
Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) gợi ý cho trẻ sơ sinh (trên một tháng tuổi) uống một ít nước ép táo hoặc lê để làm lỏng phân, giảm táo bón. AAP khuyến nghị cha mẹ nên cho trẻ 29,6 ml nước ép mỗi tháng khi chúng được 4 tháng tuổi. Một số bác sĩ nhi khoa đề xuất cho trẻ uống 1-2 thìa cà phê xi-rô ngô mỗi ngày. Khi trẻ đã chuyển sang giai đoạn ăn dặm, mẹ cho bé ăn thêm rau, trái cây có thể giúp giảm táo bón.
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước sẽ giúp chúng đi tiêu đều đặn. Mỗi 1.000 calo mà trẻ dung nạp nên có khoảng 14 g chất xơ, phụ huynh tăng dần lượng ăn của trẻ để giảm thiểu cảm giác khó chịu do đầy hơi hoặc chướng bụng.
Đối với trẻ mới biết đi, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ nhỏ đi tiêu ít nhất 2 lần mỗi ngày, điều này giúp tạo thói quen đi đại tiện cho chúng. Phụ huynh nên lựa chọn thời điểm thích hợp, chẳng hạn như ngay sau bữa ăn khi trẻ dễ đi tiêu nhất, không nên ép buộc trẻ. Người lớn khuyến khích trẻ tập thể dục thường xuyên sẽ giúp trẻ đi tiêu đều đặn hơn.
Hầu hết các trường hợp táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể được cải thiện khi thay đổi chế độ ăn uống. Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ nhi khoa có thể khuyên cha mẹ sử dụng thuốc làm mềm phân cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ tránh sử dụng các loại thuốc nhuận tràng kích thích như bisacodyl, ExLax, dầu thầu dầu.

Táo bón lâu ngày sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Ảnh: Bellybelly
Các loại trái cây tươi là thực phẩm giúp trẻ ngừa chứng táo bón. Trẻ có thể ăn cả vỏ các loại quả như táo, nho, đào hay các loại quả có hàm lượng nước cao như dưa hấu, dưa vàng. Cha mẹ nên bổ sung vào chế độ ăn uống của trẻ thực phẩm giàu chất xơ, đậu, nho khô, quả sung, thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt (bánh mì nguyên cám), lúa mì, súp rau củ,...
Chế độ ăn ít chất xơ là một trong những tác nhân chính hình thành chứng táo bón ở trẻ. Ngoài thói quen ăn uống, yếu tố góp phần gây ra táo bón là trẻ đi tiêu không thường xuyên. Điều này xảy ra khi những lần đi đại tiện trước đó trẻ bị đau nên sẽ cố gắng nhịn đi tiêu. Khi trẻ nín nhịn, phân trong ruột trở nên to, cứng hơn càng khiến bé trẻ gặp khó khăn khi đi đại tiện. Mặc dù hiếm gặp, táo bón có thể là triệu chứng cảnh báo trẻ mắc bệnh hirschsprung, xơ nang, suy tuyến giáp.
Khi trẻ gặp những triệu chứng như chướng bụng, sốt, kém ăn, tăng cân chậm, nôn mửa, giảm cân, chảy máu trực tràng xảy ra cùng với táo bón có thể cho thấy một tình trạng nghiêm trọng. Cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị kịp thời, tránh để bé bị táo bón lâu làm ảnh hưởng đến sức khỏe, gây khó khăn trong việc điều trị.
Quỳnh Anh (Theo Verywellfamily)