Thèm ngọt là tình trạng phổ biến của rất nhiều người, nhất là người thừa cân, béo phì. Khi ăn đồ ngọt, carbohydrate kích thích giải phóng hormone serotonin và endorphin tạo cảm giác thư giãn. Tuy nhiên, không kiểm soát được cơn thèm đồ ngọt dễ hình thành thói quen ăn uống vô độ, ảnh hưởng xấu đến đường huyết và cân nặng.
Ăn thực phẩm nhiều đường, không có protein hoặc chất béo, chất xơ khiến cơ thể nhận được ít năng lượng, nhanh đói và thèm ăn hơn bình thường. Đây cũng là yếu tố dễ dẫn đến viêm, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Dưới đây là một số cách góp phần kiểm soát cơn thèm đồ ngọt.
Không kiêng khem tất cả đồ ngọt: Thay vì cắt bỏ hoàn toàn đường và đồ ngọt trong chế độ ăn, người muốn giảm cân có thể nhâm nhi một chiếc bánh quy nhỏ hoặc một viên chocolate không đường. Hương vị thanh nhẹ của những món ăn này góp phần ngăn cảm giác thèm ngọt. Tuy nhiên, cần giới hạn lượng calo phù hợp, đảm bảo lượng thức ăn trong khoảng 50 calo.
Ăn thực phẩm lành mạnh: Người giảm cân có thể chuẩn bị cho một vài món ăn không chứa đường, giàu chất xơ như khoai luộc, ngộ luộc, bỏng ngô nguyên vị hoặc trứng luộc để thưởng thức. Những món ăn này vừa cung cấp chất xơ và chất dinh dưỡng cho tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột, vừa thỏa mãn cơn thèm đồ ngọt, có lợi cho sức khỏe nói chung.
Nhai kẹo cao su: Để tránh thèm ngọt, hãy thử nhai kẹo cao su không đường. Nhai kẹo cao su kích thích sản xuất nước bọt, giảm thèm ăn, từ đó hỗ trợ giảm cân.
Ăn trái cây: Trái cây có vị ngọt tự nhiên, giàu vitamin và các chất dinh dưỡng có lợi. Người giảm cân nên chọn ổi, mận, xoài xanh, cóc hoặc táo, lê để nhâm nhi mỗi khi thèm các món ngọt.
Đi bộ: Khi cơn thèm ngọt ập đến, đứng dậy và đi dạo ở công viên để thay đổi môi trường có thể tạm quên cảm giác này. Nếu đang ở văn phòng, nơi làm việc, bạn cũng có thể đi lại vài vòng hoặc trò chuyện với bạn bè.
Ăn đủ chất và chia nhỏ bữa ăn: Bữa ăn chính của người giảm cân cần đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng như protein, chất xơ, tinh bột. Ăn đủ chất giúp no lâu, giảm thèm ăn. Nên ăn 5 bữa nhỏ trong ngày và không để khoảng cách giữa các bữa quá dài, góp phần giảm cơn đói.
Quản lý căng thẳng: Đôi khi cơn thèm đường có liên quan đến cảm xúc, do đó, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao thèm ngọt. Ghi lại thời điểm này để tìm mối liên hệ với cảm xúc, trạng thái căng thẳng, áp lực, từ đó điều chỉnh tâm trạng phù hợp.
Nữ giới trưởng thành không nên tiêu thụ quá 6 muỗng cà phê đường (25 g) một ngày. Nam giới hạn chế và không ăn quá 9 muỗng cà phê (tương đương 36 g đường mỗi ngày). Để kiểm soát cơn thèm đường lâu dài, người béo phì, thừa cân nên tránh chất tạo ngọt nhân tạo, lên kế hoạch ăn uống khoa học và lành mạnh. Tập thể dục thường xuyên, thử các bài thiền định, yoga cũng có tác dụng thư giãn.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |