U tủy sống là tình trạng tủy sống hoặc màng cứng (lớp phủ bên ngoài tủy sống) có những khối u phát triển. Có các dạng u tủy sống với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Khối u nội tủy là các khối u xuất phát từ tế bào nằm bên trong tủy sống như u thần kinh đệm, u tế bào hình sao... Khối u ngoài tủy bao gồm u màng não, u sợi thần kinh, u vỏ bọc thần kinh... có thể tạo áp lực chèn lên tủy và ảnh hưởng đến chức năng của tủy sống. Các khối u ngoài tủy, ngoài màng cứng còn có hình thức là khối u do u di căn, thứ phát.
Các triệu chứng cảnh báo u tủy sống bao gồm đau cổ hoặc đau lưng kéo dài, giảm kỹ năng vận động, yếu cơ, rối loạn cảm giác vùng cột sống... Khối u tủy sống có thể là u lành tính hoặc u ác tính. Tùy theo tình trạng khối u mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất để tránh khối u gây áp lực lên tủy sống, dẫn đến các biến chứng thần kinh nghiêm trọng.
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, với sự phát triển của y học, có nhiều phương pháp để điều trị căn bệnh u tủy sống nguy hiểm như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị...
Phẫu thuật: Đây là phương pháp được cân nhắc đầu tiên trong mọi trường hợp u tủy sống. Phẫu thuật có thể giúp lấy mẫu sinh thiết để kiểm tra tình trạng khối u hoặc loại bỏ hoàn toàn khối u. Phẫu thuật u tủy sống còn giảm kích thước khối u để có thể điều trị tốt hơn bằng xạ trị hoặc hóa trị và ngăn ngừa các biến chứng.
Tùy theo vị trí của khối u và độ lớn mà bác sĩ có thể lựa chọn kỹ thuật phẫu thuật phù hợp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành xạ trị cùng lúc phẫu thuật để tăng hiệu quả. Các rủi ro có thể gặp phải của phẫu thuật là chảy máu hoặc nhiễm trùng. Người bệnh có thể trao đổi trước với bác sĩ về những rủi ro này.
![Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM đang phẫu thuật một ca bệnh thần kinh.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/02/09/021-5430-1675911315.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lHlc1Xpj9ZjZaDtCZA9Wgg)
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM đang phẫu thuật một ca bệnh thần kinh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Xạ trị: Xạ trị là hình thức điều trị u tủy sống bằng bức xạ sử dụng các tia năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt các tế bào ung thư. Sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u hoặc giảm thiểu tối đa kích thước khối u, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định xạ trị để diệt các tế bào khối u nào còn sót lại. Trong một số trường hợp, người bệnh cũng có thể xạ trị như một biện pháp điều trị chính nếu không thể phẫu thuật hoặc cần phòng ngừa, điều trị các biến chứng u tủy sống. Tác dụng phụ của xạ trị là khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn... nhưng sẽ thuyên giảm sau khi điều trị kết thúc.
Hóa trị: Với biện pháp hóa trị, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc (dạng tiêm vào đường tĩnh mạch hoặc dạng uống) để phá hủy các tế bào ung thư bên trong cơ thể. Các loại thuốc này đi vào máu và tiêu diệt, làm chậm quá trình phát triển của khối u tủy sống.
Thuốc có thể phá hủy cả những tế bào ung thư di căn ở khắp nơi trong cơ thể. Phương pháp này có thể điều trị hiệu quả các trường hợp u tủy sống song sẽ phá hủy cả những tế bào khỏe mạnh. Sau khi hóa trị, một số người bệnh cảm thấy đau bụng, mệt mỏi, rụng tóc...
Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết thêm, một số biện pháp điều trị u tuỷ sống có thể không đạt hiệu quả tối ưu ngay lần đầu tiên và cần nhiều lần mới loại bỏ được các khối u. Thông thường, bệnh nhân cần phải ở lại bệnh viện một thời gian khoảng 5-15 ngày hoặc lâu hơn tùy khả năng hồi phục và biến chứng có thể xảy ra. Bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc giảm đau để hạn chế tối đa các vấn đề gây khó chịu.
Sau khi điều trị bằng các phương pháp trên, người bệnh cần tái khám thường xuyên để kiểm tra tiến triển trong các phương pháp trị liệu. Trong các lần tái khám, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng người bệnh gặp phải và có thể chỉ định chụp MRI để xem xét, đánh giá lại các khối u tủy sống có tái phát hay không.
Minh Huy