Khi lượng đường trong máu quá cao trong thời gian dài gây ra một số thay đổi ảnh hưởng đến sức khỏe da. Dưới đây là các biến chứng về da thường gặp do bệnh tiểu đường, theo Medical News Today.
Bệnh gai đen
Triệu chứng của bệnh là các mảng da dày lên, có màu xám, đen, nâu, sẫm màu hơn vùng da xung quanh. Bệnh thường xuất hiện gần bẹn, sau cổ và nách. Bệnh gai đen là biểu hiện của tình trạng kháng insulin, xảy ra ở người béo phì, tiền tiểu đường và tiểu đường. Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh tuyến giáp cũng có thể mắc bệnh này. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, 74% người béo phì và tiểu đường ở quốc gia này mắc bệnh gai đen. Bệnh không nguy hiểm hoặc lây lan nhưng gây mất thẩm mỹ.
Vảy nến
Bệnh thường phát triển các mảng đổi màu trên da (móng tay, da đầu), ngứa và có vảy. Các mảng da bị ảnh hưởng có màu sẫm, hồng hoặc đỏ với các vảy bạc bao phủ. Một số người bị vảy nến cũng có thể viêm khớp vảy nến gây đau khớp nghiêm trọng. Người bệnh có thể bôi kem và thuốc mỡ cortisone lên vùng da bệnh. Trường hợp nghiêm trọng hơn cần dùng thuốc sinh học dạng uống hoặc tiêm.
Phù nề
Phù nề là chứng rối loạn mô liên kết, da dày và phồng lên, thường xuất hiện phía lưng trên và sau cổ. Phù nề tiểu đường hiếm gặp, khoảng 2,5-14% người tiểu đường mắc bệnh này. Việc điều trị thường tập trung vào kiểm soát mức đường huyết. Người bệnh có thể uống thuốc hoặc chiếu xạ tia UVA.
Da sáp
Bệnh tiểu đường có thể làm da căng, dày ở bàn tay và chân, trông giống như sáp trên da. Các triệu chứng thường bắt đầu trên bàn tay, sau đó lan ra cánh tay và các phần khác trên cơ thể. Biểu hiện này cũng có thể ở đầu gối, mắt cá chân hoặc khuỷu tay nhưng ít phổ biến. Da ở những vùng này thường sần như vỏ cam hoặc cứng khớp.
Rộp da
Một số người tiểu đường phát triển các vết rộp giống như mụn nước có hình dạng bất thường trên bàn chân và tay. Các mụn nước thường lớn và không đau, xảy ra đơn lẻ hoặc thành từng mảng. Người bệnh nên tránh làm vỡ vết phồng rộp vì rất dễ nhiễm trùng. Bạn nên đến bác sĩ chọc hút các mụn nước lớn trong điều kiện vô trùng. Rộp da thường lành và không để lại sẹo; tuy nhiên nếu biến chứng viêm loét, có thể dẫn đến cắt cụt chi.
Bệnh da tiểu đường
Bệnh da tiểu đường là các mảng tròn, màu đỏ hoặc nâu nhạt xuất hiện trên ống chân hoặc các bộ phận xương khác. Các mảng da có đốm đôi khi thụt vào trong và có vảy. Bệnh có thể xuất hiện ở người tiểu đường type 1 và 2. Tình trạng này xuất hiện do tổn thương các dây thần kinh và mạch máu ảnh hưởng đến các vùng có ít cơ và mỡ bảo vệ, thường vô hại và không cần điều trị.
![Lượng đường trong máu cao là nguyên nhân cơ bản gây ra các bệnh về da. Ảnh: Freepik.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/09/27/-5429-1664252435.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rMqJfQPq35SYrcZn_a87jw)
Lượng đường trong máu cao là nguyên nhân cơ bản gây ra các bệnh về da. Ảnh: Freepik.
Loét do tiểu đường
Những vết loét xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên da nhưng phổ biến nhất ở bàn chân. Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến lưu thông máu dẫn đến nguồn cung cấp máu thấp, khiến vết thương khó lành gây ra các vết loét. Tiểu đường làm tổn thương thần kinh khiến người bệnh không có cảm giác đau và nhận thấy vết thương để điều trị, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nhiễm trùng gây chết mô và người bệnh có thể phải cắt cụt chi.
Người bệnh nên thường xuyên kiểm tra bàn chân và các bộ phận khác để phát hiện và điều trị kịp thời các vết thương, tránh biến chứng nặng và nhiễm trùng.
Ban vàng mí mắt
Bệnh gây ra vảy, chất béo màu vàng trên và gần mí mắt. Đôi khi, bệnh cũng xuất hiện trên cổ, vai và xung quanh nách. Ban vàng mí mắt không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
U vàng phát ban
Bệnh xuất hiện các nốt sẩn sưng tấy (những mảng mỡ) có màu nâu đỏ đến vàng cam, rời rạc tích tụ dưới da. Tình trạng này thường xuất hiện ở những vị trí chịu áp lực hoặc chấn thương như đùi, mông, khuỷu tay và đầu gối. Bệnh nghiêm trọng làm tăng nguy cơ viêm tụy.
Mụn nhỏ trên da
Lượng đường trong máu cao có thể gây ra những khối u (mụn) nhỏ, mềm, có màu trùng với da và bám trên các vùng như mí mắt, nách, cổ, ngực và nếp gấp bẹn.
U hạt vòng
U này có các vết sưng nhỏ, nổi lên, màu đỏ, nâu hoặc màu da, lan ra ngoài theo hình vòng. Bệnh thường xuất hiện trên bàn tay, ngón tay và cẳng tay. U có thể đơn lẻ hoặc nhiều trên cơ thể, theo kiểu đối xứng. Các tổn thương này vô hại và thường biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp dai dẳng, người bệnh nên đi khám.
Nhiễm trùng da
Người tiểu đường có xu hướng bị nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm. Các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến ở người bệnh tiểu đường như nhọt, lẹo, nhiễm trùng móng và nang tóc. Nhiễm khuẩn thường xuất hiện dưới dạng vết loét viêm, chảy mủ, đau đớn do vi khuẩn staphylococcus. Dùng thuốc kháng sinh và kiểm soát đường huyết có thể ngăn ngừa nhiễm trùng dạng này.
Nhiễm nấm
Bệnh thường gây phát ban có viền da và vảy, đôi khi có mụn nước nhỏ. Nấm có xu hướng phát triển ở các vùng da ẩm ướt trên cơ thể. Các loại nhiễm nấm phổ biến như nhiễm trùng nấm men, nấm ngoài da.
Hầu hết các bệnh về da do tiểu đường vô hại, một số ít gây đau đớn và dai dẳng cần điều trị. Kiểm soát đường huyết và duy trì trọng lượng vừa phải giúp giảm nguy cơ và mức độ nghiệm trọng của các biến chứng về da. Chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ, chú ý chăm sóc và vệ sinh cá nhân giúp ngăn ngừa những biến chứng tiểu đường.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)