Trả lời:
Quan niệm bệnh tiểu đường type 2 nhẹ hơn bệnh tiểu đường type 1 là sai lầm. Bệnh tiểu đường type 2 là tình trạng mức đường trong máu cao hơn người bình thường do tuyến tụy sản xuất insuline không đủ so với nhu cầu cơ thể hoặc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả (gọi là đề kháng insulin). Bệnh xảy ra do lối sống không lành mạnh (thức khuya, ăn trễ), chế độ ăn uống nhiều tinh bột, dầu mỡ, nước ngọt, thức uống có gas, thực phẩm chế biến sẵn...
Tiểu đường type 2 thường gặp ở người trung niên và lớn tuổi, thừa cân béo phì, buồng trứng đa nang, tiểu đường thai kỳ... Bệnh có thể phòng ngừa bằng tăng cường hoạt động thể lực phù hợp, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Trong khi đó, tiểu đường type 1 xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công phá hủy các tế bào tuyến tụy (còn gọi bệnh tự miễn) khiến cơ quan này không có khả năng tạo ra insulin. Hiện chưa có cách ngăn ngừa hiệu quả bệnh đái tháo đường type 1. Bệnh thường được phát hiện ngay ở giai đoạn sơ sinh, trẻ em, thiếu niên.
Cả type 1 và type 2 đều khiến đường huyết tăng cao, nếu không kiểm soát tốt đều dẫn đến biến chứng lên tim, thần kinh, mắt, thận... Khi đó, các biến chứng lại khiến bệnh tiểu đường trầm trọng và tiến triển nặng nhanh chóng và khó điều trị hơn. Ngay từ khi phát hiện bệnh tiểu đường dù type 1 hay type 2, người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết. Những người có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao (thừa cân, gia đình có người bị bệnh, từng bị tiểu đường thai kỳ hay có thai lớn hơn 4 kg...) nên chủ động đo đường huyết định kỳ.
Khi kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh sẽ tránh được các biến chứng mạn tính (bệnh tim, huyết áp, thận, mắt, mạch máu...) và biến chứng cấp tính (tăng áp lực thẩm thấu máu, nhiễm toan ceton - tình trạng máu chứa nhiều axit).
![Người bệnh tiểu đường type 1 và 2 nên đo đường huyết, thăm khám bác sĩ để phòng tránh biến chứng. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/04/05-4481-1667531462.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=p1izqiSbHZ9brEoRDps_rg)
Người bệnh tiểu đường type 1 và 2 nên đo đường huyết, thăm khám bác sĩ để phòng tránh biến chứng. Ảnh: Freepik
Hiện y học chưa có phương pháp nào điều trị đứt điểm bệnh tiểu đường. Các phương pháp dùng thuốc tây y, điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập thể dục hợp lý nhằm kiểm soát đường huyết chứ không chữa khỏi bệnh. Do vậy, đường huyết ở mức ổn định hay dao động lên xuống thất thường đều tùy thuộc vào việc tuân thủ chế độ ăn, uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường.
Nhiều người thường truyền tai nhau phải ăn uống kiêng khem, chỉ cần ăn quá một muỗng cơm hay vài muỗng chè cũng khiến đường huyết nhảy vọt. Do vậy, người bệnh cũng thường thắc mắc bệnh tiểu đường có rút ngắn tuổi thọ hay không. Thực tế, bệnh tiểu đường type 2 có tác động đến tuổi thọ hay không đều tùy thuộc vào khả năng kiểm soát tốt đường huyết.
Nếu người bệnh không kiểm soát tốt đường huyết như không uống thuốc điều độ, dùng các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, duy trì thói quen có hại như uống nước ngọt, ít vận động, ăn thức ăn nhanh... thì dễ gặp các biến chứng nguy hiểm. Điều này khiến người bệnh dễ rơi vào nguy kịch tính mạng, suy giảm tuổi thọ. Nhiều trường hợp mới phát hiện bệnh tiểu đường gặp phải biến chứng. Trong khi đó, nhiều người bệnh 20-30 năm vẫn sống khỏe, làm việc, sinh hoạt bình thường nhờ ổn định đường huyết.
Một nghiên cứu của Mỹ trên 421 người khoảng 65 tuổi (trong đó 194 phụ nữ) công bố trên tạp chí JAMA vào năm 2022 cho thấy, người bệnh tiểu đường type 2 có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp tăng thêm khoảng 2-4 năm tuổi thọ; giảm huyết áp ở người bệnh tiểu đường type 2 có thể kéo dài tuổi thọ khoảng 1-2 năm; giảm cholesterol ở mức thấp kéo dài 0,5-1 năm. Các nghiên cứu cho thấy chỉ số HbA1C giảm từ 9,9% xuống 7,7% giúp người bệnh tiểu đường type 2 sống thêm 3,4 năm.
Bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM