Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng. Các phế nang, đường dẫn khí trong phổi có thể chứa đầy chất lỏng hoặc mủ, gây ho có đờm hoặc mủ, sốt, ớn lạnh, đau ngực và khó thở. Nhiều tác nhân gây ra tình trạng viêm phổi, thường do vi khuẩn, virus, nấm.
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết một số người có nguy cơ cao mắc bệnh này bao gồm:
Trẻ em
Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao mắc và tử vong do viêm phổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, khoảng 150 triệu đợt viêm phổi xảy ra ở trẻ em các nước đang phát triển. Tổ chức này cũng ước tính mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc viêm phổi.
Thai phụ
Thời kỳ mang thai, hệ miễn dịch của phụ nữ suy giảm nên dễ bị virus, vi khuẩn tấn công, do đó thai phụ dễ mắc viêm phổi. Viêm phổi trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà bầu và thai nhi. Bệnh làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ, sinh non, có thể gây sảy thai. Người bình thường mắc viêm phổi nhẹ có thể điều trị tại nhà, bệnh có thể khỏi trong khoảng 2-3 tuần. Phụ nữ đang mang thai nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi cần lập tức đi khám và điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng sức khỏe của bản thân và thai nhi.
Người lớn tuổi
Nhóm người này thường có sức khỏe yếu, khả năng thích nghi kém, nhiều bệnh mạn tính nên vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa họ dễ mắc bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm phổi. Người cao tuổi bị viêm phổi không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng, điển hình là suy hô hấp.
Các yếu tố rủi ro khác cũng làm tăng nguy viêm phổi như người bệnh phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt, sử dụng máy thở, người mắc bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tim. Hút thuốc lá cũng là thói quen làm hỏng hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể, ảnh hưởng đến khả năng chống lại vi khuẩn, virus gây viêm phổi. Hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc bị ức chế như người bị nhiễm HIV/AIDS, đã được ghép tạng hoặc người được hóa trị, dùng steroid dài hạn đều có nguy cơ mắc bệnh cao.
![Phụ nữ mang thai là một trong ba nhóm người dễ mắc viêm phổi. Ảnh minh họa: Minh Đức](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/13/image001-1739433043-9163-1739433156.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BS6ai4qBGVxAWBF0yfopJw)
Phụ nữ mang thai là một trong ba nhóm người dễ mắc viêm phổi. Ảnh minh họa: Minh Đức
Biểu hiện viêm phổi khác nhau tùy vào mức độ nhẹ đến nặng, yếu tố như nguyên nhân gây bệnh, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Ở người bệnh nhẹ, dấu hiệu thường tương tự cảm lạnh hoặc cúm, nhưng kéo dài hơn.
Các triệu chứng viêm phổi có thể bao gồm đau ngực khi bạn hít thở hoặc ho khan, ho có đờm, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi, ớn lạnh, khó thở, một số trường hợp có thể buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ mắc bệnh có thể bị nôn mửa, sốt cao, co giật, ho, bứt rứt, mệt mỏi, khó thở, bỏ bú, bỏ ăn, tím tái, li bì, rút lõm lồng ngực. Một số trường hợp có thể không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo viêm phổi.
Bác sĩ Đô cho biết vaccine có thể phòng ngừa một số tác nhân gây viêm phổi, cúm dành cho trẻ em, người lớn. Để phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp, mọi người nên rửa tay thường xuyên hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn, đeo khẩu trang. Cần súc miệng hằng ngày bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn. Thói quen này giúp tiêu diệt vi khuẩn ở cổ họng, làm loãng đờm, khai thông đường thở, hạn chế tối đa biến chứng do nhiễm khuẩn.
Không hút thuốc chủ động hoặc thụ động bởi khói thuốc lá làm hỏng khả năng bảo vệ tự nhiên của phổi chống lại nhiễm trùng đường hô hấp. Ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh cũng là biện pháp giữ cho hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ sức khỏe.
Minh Đức
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |