Trước đó ông Nam bị hóc xương gà, ho khạc xong không thấy mắc nghẹn cổ họng, nghĩ rằng dị vật đã được đẩy ra ngoài. Sau đó, ông đau tức ngực, khó thở giống đợt hen cấp nên dùng thuốc điều trị tại nhà.
Ngày 26/2, bác sĩ Lã Quý Hương, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết có hai mảnh dị vật kích thước 1,5x1,7 cm, nằm sâu trong lòng phế quản hai bên phổi của ông Nam. Tình trạng này gây viêm phổi áp xe, viêm mủ phế quản trên nền hen suyễn mạn tính.
Ê kíp nội soi phế quản bằng ống soi mềm kết hợp gây tê để gắp dị vật. Hiện, sức khỏe ông Nam ổn định và xuất viện.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thực hiện nội soi phế quản cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Hương, thông thường dị vật đường hô hấp xảy ra nhiều hơn ở trẻ do bé thường cho các đồ vật vào miệng hoặc chơi đùa khi ăn. Người lớn tuổi thường bị suy giảm chức năng nhai nuốt, phản xạ cổ họng và khả năng tập trung kém, nguy cơ mắc dị vật tăng. Ông Nam có bệnh nền hen suyễn với triệu chứng ho khò khè dễ hóc dị vật.
Khi dị vật mới xâm nhập đường thở, cơ thể có phản xạ tự nhiên như ho, khạc mạnh để tống dị vật ra ngoài. Người bệnh có thể tím tái, khó thở, ngạt thở, trợn mắt. Nếu dị vật ở lâu trong đường thở, người bị hóc có thêm biểu hiện ho kéo dài, sốt cao.
Dị vật kích thước lớn rơi vào đường thở có thể bít tắc đường thở gây suy hô hấp, tử vong. Dị vật nhỏ hơn có thể vào sâu trong khí quản, phế quản gây ho, khó thở khò khè giống hen suyễn hay viêm phế quản. Nếu phát hiện muộn và không xử lý kịp thời, người bệnh có thể ho ra máu, viêm nhiễm hoặc áp xe quanh dị vật hoặc ở thùy phổi, dẫn đến suy hô hấp.
Bác sĩ Hương khuyến cáo người lớn tuổi nhai nuốt kém, không nên ăn các món cứng như cua, ghẹ, có xương cứng, hạt.... Nên ăn chậm, miếng nhỏ, tránh xem tivi, cười nói trong bữa ăn. Viên thuốc có kích thước quá lớn có thể chia nhỏ, nghiền ra trước khi sử dụng (tham khảo ý kiến bác sĩ trước).
Khuê Lâm
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |