Giảm cân, giảm mỡ không chỉ đơn giản là thực hiện công thức "nạp vào ít hơn tiêu hao". Quá trình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu thực hiện không đúng sẽ khó giảm mỡ, ngược lại còn tăng cân nhanh. Dưới đây là một số nguyên nhân tiềm ẩn có thể khiến mục tiêu giảm cân bất thành.
Sức khỏe đường ruột không tốt: Vi khuẩn đường ruột có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cân nặng. Những người có hệ vi sinh đường ruột kém thường có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn. Người thừa cân, béo phì có thể tăng cường thực phẩm chứa prebiotic (chất xơ giúp nuôi vi khuẩn có lợi) như rau củ, trái cây. Đa dạng hóa chế độ ăn giúp vi khuẩn tốt trong ruột phát triển mạnh.
Gene di truyền: Gene di truyền quyết định khoảng 70% sự khác biệt về cân nặng giữa mọi người. Do đó, hãy giảm cân từ từ, không quá 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng. Tập trung vào những thói quen lành mạnh để giảm cân thay vì áp lực siết cân theo công thức của người khác.
Tuổi tác và mất cơ bắp: Cơ bắp giảm dần từ sau tuổi 30 khiến cơ thể đốt cháy ít calo hơn. Phụ nữ sau mãn kinh dễ tăng cân hơn do thay đổi nội tiết tố. Người đang giảm cân có thể thêm các bài tập rèn luyện sức mạnh vào thói quen vận động mỗi tuần để duy trì cơ bắp. Ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng thay vì đồ ăn chế biến sẵn. Người có dấu hiệu rối loạn nội tiết tố nên đi khám để điều trị đúng nguyên nhân, từ đó giảm cân hiệu quả hơn.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như insulin, thuốc chống trầm cảm có thể gây tăng cân. Nếu cân nặng tăng bất thường, người bệnh nên hỏi bác sĩ về thuốc đang sử dụng để kịp thời điều chỉnh hoặc thay đổi phù hợp.
Ước lượng sai khẩu phần ăn: Khẩu phần ghi trên bao bì không phải lúc nào cũng phản ánh đúng, nhất là các loại thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo ngọt. Một số món ăn chứa lượng đường ẩn có thể đánh lừa bạn, dẫn đến ăn quá nhiều nhưng không nhận ra. Bác sĩ dinh dưỡng có thể tư vấn cho người thừa cân chế độ ăn uống hợp lý.
Ăn uống không tập trung: Ăn trong lúc xem tivi hoặc lướt điện thoại dễ khiến bạn ăn nhiều hơn mà không biết. Hãy chuẩn bị bữa ăn để dễ tính toán các thành phần và tiết chế gia vị, tập trung vào bữa ăn giúp kiểm soát khẩu phần.
Nhịn ăn và sau đó ăn bù: Nhiều người nghĩ rằng giảm cân cần nhịn ăn tuy nhiên điều này chưa đúng. Nhịn ăn quá lâu khiến cơ thể cảm thấy thiếu hụt, dẫn đến ăn uống mất kiểm soát vào cuối ngày. Thay vì nhịn ăn, hãy ăn đều đặn trong ngày và giảm lượng thức ăn tiêu thụ. Tăng cường chất xơ, trái cây thay cho thực phẩm chứa tinh bột, chất béo không lành mạnh.
Đánh giá quá cao lượng calo đốt cháy: Tập thể dục giúp duy trì cân nặng, nhưng lượng calo tiêu hao thường không nhiều như bạn nghĩ. Không nên có suy nghĩ tập luyện nhiều để có thể ăn uống thoải mái vì dễ tăng cân mất kiểm soát.
Anh Chi (Theo EveryDay Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |