Giọng nói có thể bị thay đổi do thời tiết, vi khuẩn, virus, tác động môi trường. Khi dây thanh hoạt động quá mức, giọng nói dễ bị khàn, cảm giác như có gì đó kẹt ở cổ. Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, thói quen uống nước đá hay để cơ thể mất nước có thể ảnh hưởng đến chất lượng giọng nói. Một số cách dưới đây có thể giúp bảo vệ dây thanh.
Giữ ẩm cho giọng nói: Cung cấp đủ nước giúp thanh quản hoạt động tốt hơn nhờ được làm ẩm. Nước có thể bao gồm nước lọc, trà thảo dược, nước trái cây. Vào mùa hè, mọi người nên có thói quen mang theo chai nước bên người để uống cả ngày. Mọi người cũng nên hạn chế các đồ uống chứa caffein như cà phê, soda, nước ngọt. Các loại đồ uống này khiến quá trình mất nước xảy ra nhanh.
Thở bằng mũi: Các lỗ thông trong mũi được thiết kế để làm ẩm không khí khi hít thở. Mũi có thể điều chỉnh độ ẩm không khí, cân bằng không khí khô. Hơi thở được hít vào bằng miệng không được làm ẩm hoặc cân bằng độ ẩm như thở bằng mũi.
![Giọng nói dễ bị tổn thương nếu không chăm sóc đúng cách. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/05/23/coronavirus-sample-procedure-4517-1684816034.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GmGwJ6ZPuNPMPOM_ewGguw)
Giọng nói dễ bị tổn thương nếu không chăm sóc đúng cách. Ảnh: Freepik
Hạn chế hít không khí khô: Không khí nếu quá khô sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hơi thở và giọng nói. Để bảo vệ giọng nói những ngày này, bạn nên hạn chế ra ngoài khi trời nắng. Ở trong nhà, mọi người có thể dùng máy tạo ẩm, máy phun hơi nước để làm ẩm không khí. Hít không khí ẩm hỗ trợ sức khỏe hô hấp, giúp dây thanh thư giãn, tăng cường sức khỏe cho giọng nói.
Tránh các chất độc hại: Hút thuốc lá, uống rượu, bia... đều tác động xấu đến giọng nói. Khói thuốc lá, rượu bia đều đi qua cổ, làm khô dây thanh quản. Rượu còn làm cơ thể mất nước, tăng nguy cơ viêm nhiễm. Mọi người nên hạn chế uống rượu, bia vào mùa hè, nhất là các loại bia mát, uống kèm với đá. Không nên hút thuốc và tránh các môi trường có khói thuốc để không hít phải khói thuốc lá thụ động.
Nói với âm lượng lớn: La hét, cổ vũ, nói quá to có thể làm tổn thương giọng nói. Sự gia tăng về cường độ giọng nói gây hại cho dây thanh quản. Mọi người có thể cảm thấy cổ họng bị khô, rát, giọng nói khàn sau khi nói quá to. Do đó, nên giữ giọng nói ở mức âm thanh ổn định, tránh nói quá to, la hét. Cũng không nên thì thầm vì tạo áp lực lên dây thanh.
Hạn chế hắng giọng: Hắng giọng quá mức có thể gây chấn thương và dẫn đến khàn tiếng. Khi cảm thấy nghẹn ở cổ, mọi người có thể uống một ngụm nước nhỏ để làm sạch dịch tiết, đẩy đờm ra khỏi cổ họng.
Anh Chi (Theo Cleveland Clinic)