Theo Reuters, Pháp và Đức mỗi quốc gia tài trợ 100.000 liều, Tây Ban Nha 500.000 liều, Mỹ 50.000 liều. Đối với Nhật Bản, chính phủ Cộng hòa Congo yêu cầu tài trợ tối thiểu hai triệu liều vaccine. Còn Liên minh châu Âu mua hơn 175.000 liều vaccine, tặng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi. Nhà sản xuất vaccine góp thêm 40.000 liều.
Reuters đánh giá hành động quyên góp sẽ giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng lớn khiến nhiều quốc gia châu Phi không thể tiếp cận với vaccine, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần thứ hai tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Đợt dịch lần này xuất hiện chủ yếu tại các nước châu Phi với các chủng virus mới xuất hiện ở miền đông Congo. Biến chủng mới gọi là Clade Ib, có khả năng lây lan dễ dàng hơn thông qua tiếp xúc gần gũi, thường xuyên. Tính đến 17/8, Cơ quan y tế Liên minh châu Phi (AU) cho biết đã ghi nhận hơn 18.000 ca nghi mắc và ca bệnh kể từ đầu 2024, trong đó có một tuần ghi nhận tới 1.200 ca bệnh.
![Túi chứa lọ vaccine phòng đậu mùa và đậu mùa khỉ. Ảnh: AP](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/08/29/ap-mpox-vaccine-5945-1724929128.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pOQN8PCHhHWg_IVGgqwNWg)
Túi chứa lọ vaccine phòng đậu mùa và đậu mùa khỉ. Ảnh: AP
Theo Conversations, tương tự như các bệnh truyền nhiễm khác, biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm chủng. Ước tính, châu Phi cần khoảng 10 triệu liều vaccine để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Thế giới hiện có hai loại vaccine dùng để chống lại đậu mùa khỉ, gồm MVA-BN do hãng dược phẩm Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất và LC16 của Nhật Bản. Tuy nhiên, mỗi liều vaccine có giá cao, khiến những quốc gia thu nhập thấp không có ngân sách để mua, buộc phải chờ WHO viện trợ. Bên cạnh đó, vaccine có nguồn cung hạn chế.
Trong lúc chờ đợi triển khai vaccine, các chuyên gia y tế khuyến cáo châu Phi tăng giám sát để kiểm soát virus lây lan. Nhóm đối tượng nguy cơ cao cần được sàng lọc, tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Văn Hà
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.