Khi bạn bị tắc tai, những hành động như ngáp, nhai hoặc nuốt thức ăn có thể giúp thông tai tự nhiên. Tùy trường hợp, bác sĩ cần thông tắc tai bằng dụng cụ chuyên dụng. Các nguyên nhân phổ biến và cách xử trí cơ bản sau đây có thể hỗ trợ bạn khắc phục triệu chứng khó chịu này.
Sưng ống thính giác
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí BioMed Central (Mỹ), tắc tai có thể do ống thính giác tổn thương. Cảm lạnh, dị ứng là một số nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng đến ống thính giác. Viêm amidan và một số bệnh lý tai mũi họng cũng thường khiến sưng vùng ống thính giác, làm nghẽn lỗ tai, ứ dịch. Trẻ em thường gặp phải vấn đề này hơn do ống tai vẫn còn hẹp.
Người trưởng thành khi ứ dịch trong tai ít có triệu chứng nghiêm trọng ngoài cảm giác tắc nghẽn. Tuy nhiên, nếu tắc tai kèm theo cảm giác đau, chảy dịch, bạn nên đi khám. Theo nghiên cứu tại Đức, trẻ nhỏ có thể bị chậm nói nếu không được chẩn đoán và phát hiện kịp thời bệnh tai giữa. Trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể mất thính giác.
Áp suất môi trường
Nếu bạn lái xe trên núi, ngồi máy bay hoặc lặn biển, tai dễ bị tắc do áp suất thay đổi. Bạn có thể vận động hàm như nuốt, nhai hoặc ngáp để mở ống eustachian bảo vệ đôi tai. Không khí bên ngoài có thể tràn vào tai một lượng vừa đủ, giúp thông thoáng tai tự nhiên.
Theo tập hợp các nghiên cứu tại Brazil, một số thuốc tai mũi họng có thể hỗ trợ "mở khóa" các ống thính giác cho người thường xuyên tắc tai do áp suất môi trường, làm việc trong điều kiện áp suất thay đổi (như nghề lặn biển). Người bị dị ứng đường hô hấp có thể uống thuốc khi bắt đầu chuyến bay và một giờ trước khi chuyến bay hạ cánh. Những cách phòng tắc tai tự nhiên và theo khuyến nghị của bác sĩ có thể giúp bạn tránh khỏi chấn thương tai, tránh thủng màng nhĩ trong môi trường áp suất quá cao.
Nhiều ráy tai
Tích tụ quá nhiều ráy tai có thể dẫn đến cảm giác bí trong lỗ tai, gây khó chịu. Lúc này, bạn nên nhờ hỗ trợ của bác sĩ để được đẩy ráy tai ra ngoài bằng dụng cụ y khoa chuyên dụng, vô khuẩn. Một số phương pháp có thể thực hiện để loại bỏ ráy tai, giúp chúng thông thoáng gồm rửa tai bằng nước, dùng chế phẩm giúp tan ráy tai... Những hành động như nhai, nuốt và ngáp là cách tự nhiên mà cơ thể tự đưa ráy tai ra ngoài.

Tắc nghẽn tai gây khó chịu. Ảnh: Freepik
Vật thể lạ chui vào tai
Vật lạ kẹt trong tai có thể gặp phải ở trẻ nhỏ. Nếu trẻ vẫn còn bé, chưa diễn đạt được lời nói rõ ràng, ba mẹ có thể nhận biết qua hành động của con như thường xuyên xoa tai, nhăn mặt. Kẹt dị vật trong tai thường không gây triệu chứng sốt hoặc cảm lạnh. Ba mẹ nên phát hiện sớm và đưa trẻ đến gặp bác sĩ để lấy dị vật ra khỏi tai con kịp thời.
Tai bị tắc nghẽn có thể khiến bạn khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt. Bạn nên cân nhắc đi khám nếu thấy đau, nghe thấy âm thanh trong tai hoặc có dịch chảy ra. Tắc tai cũng có thể là di chứng từ bệnh lý Covid-19, viêm xoang, suy giảm thính lực và triệu chứng của dị ứng đường hô hấp. Biết được nguyên nhân giúp người bệnh được điều trị phù hợp.
Mai Trinh
(Theo Very Well Health)