Từ tầng cao của chung cư đang bị phong tỏa, tôi nhìn xuống đại lộ lớn nhất Sài Gòn với khung cảnh đìu hiu, chỉ có những hàng cây lặng thầm đang thổn thức thương người thành phố.
Chung cư tôi đã bị phong tỏa 6 ngày nay với biết bao cảm xúc đan xen của những cư dân, những con người như hàng triệu con người Sài Gòn - đang sống trong thời kỳ lịch sử.
Ban đầu là một block bị phong tỏa, sau một thời gian là hai block. Block đầu tiên được mở phong tỏa, rồi lại bị tái phong tỏa vì những ca nghi nhiễm thay đổi được cập nhật.
Tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi, réo rắt xé tan không gian cả ngày lẫn đêm. Nhiều khi đang tạm chợp mắt giữa khuya, tiếng còi rú gọi ám ảnh đó vang vọng liên hồi làm choàng tỉnh những cư dân cả những tầng cao nhất, như thử thách những con tim mạnh mẽ nhất.
Tin tức được "phóng viên chiến trường" của chung cư cập nhật liên tục trên group hội. Thêm một người nghi nhiễm được xe cấp cứu đưa đi, là thêm một lần thắt tim cư dân. Và dây phong tỏa chưa giăng mắc do còn chờ kết quả xét nghiệm chính thức, thì tất cả cư dân không ai bảo ai, đều cầu nguyện bình an cho dân mình.
>> Công ty vừa, nhỏ oằn mình giữa 'bão' Covid-19
Cứu trợ là việc cần làm cấp thiết. Những block chưa bị phong tỏa thần tốc hỗ trợ đồng bào các block bị phong tỏa, tận dụng tất cả phương tiện để chuyên chở hàng hóa.
Khó có thể tưởng tượng hình ảnh những người phụ nữ nhỏ bé hàng ngày rất nũng nịu, nhõng nhẽo, yếu đuối, luôn cần sự che chở, thì nay, với sức mạnh của những trái tim yêu thương đồng bào, lại có thể chở hàng trăm kg rau củ trên những chiếc xe máy.
Họ còn tâm sự với chị em trong hội chung cư: "Chị vừa chở rau củ vừa khóc vì thương dân mình". Những thanh niên tình nguyện viên mồ hôi thấm đẫm lưng áo xuôi ngược vận chuyển, tập kết thực phẩm. Gạo, rau củ, trứng, sữa,... chất đầy các sảnh đang bị phong tỏa.
Lời ông bà dạy chưa bao giờ sinh động hơn thế: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng. Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".
Và tới block thứ 3 bị phong tỏa, và block 4 "anh em chúng ta cùng cảnh ngộ".
Hàng rào phong tỏa đã được dời ra cổng chính ra vào của toàn bộ chung cư, đồng nghĩa là giờ đây sự cứu trợ nhau của cư dân đã chính thức bị hạn chế.
Ai cũng lo lắng. Nhưng theo một nghĩa "tích cực" thì từ nay cư dân đỡ bị đau tim hơn, khi không còn phải hồi hộp chờ "xổ số" khi nào tới block mình bị phong tỏa. Và tiếng còi xe cấp cứu cũng "dần quen", khi không còn phải đoán tiếng còi kinh hoàng thâu đêm suốt sáng ấy chỉ là chạy ngang qua đường, hay ghé vào chung cư.
Khi nội bộ không cứu trợ được nhau nữa, thì đồng bào bên ngoài chung cư từ khắp nơi đã thần tốc cứu trợ. Những chuyến xe chở gạo, rau củ, thực phẩm các loại... còn có cả đồ ăn chay mỗi ngày được các Mạnh Thường Quân phát tâm hỗ trợ không ngừng nghỉ.
Thường ngày, khi cầm một mớ rau, một trái bí... ngoài siêu thị hay chợ, chỉ đơn thuần là "hợp đồng mua bán". Nay, cư dân cầm mớ rau, trái bí... ấy của đồng bào cứu trợ, cảm thấy sức nặng trong con tim có thể nấc lên được. "Hợp đồng tình nghĩa" này, chỉ dựa trên điều kiện duy nhất : "Tình đồng bào"
Để thực phẩm đến được cư dân ở những khu vực đang bị phong tỏa, ngoài tiền của, thì biết bao tâm huyết, công sức đã dồn vào. Từ đi tìm nguồn hàng vô cùng khan hiếm trong đại dịch với "giá trên trời" khi Sài Gòn và các tỉnh đang thực hiện chỉ thị 16, các Mạnh Thường Quân, các tình nguyện viên phải vượt qua nỗi lo lây nhiễm, các bác tài phải qua bao trạm kiểm soát gắt gao với bao điều kiện ngặt nghèo...
Nợ tiền, nợ bạc thì có thể trả. Còn nợ tình nợ nghĩa biết bao giờ mới trả hết được.
Chưa trả được thì chúng ta phải luôn tâm niệm sống và hành động có trách nhiệm để đáp lại tình yêu thương bao la ấy. Dù trong khu phong tỏa nhưng tất cả đều phải nhắc nhau luôn tuân thủ 5K cẩn thận.
Như Chính phủ đã nhắc: "Tránh chặt ngoài lỏng trong". Người còn ổn thì cố gắng tự lo và có thể đóng góp thêm vào quỹ giúp đồng bào chưa ổn, luôn đề cao tinh thần "nhường cơm sẻ áo", "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều", "ai cần cứ lấy, ai ổn góp vào"...
>> Covid-19 'hạ gục' quán cà phê của tôi
Tiếng còi xe cấp cứu lại vang lên. Trên group hội chung cư tin thông báo liên tục.
"Phóng viên chiến trường" trấn an ngay cư dân bằng bản tin nóng trực tiếp từ hiện trường : "Bà con cư dân yên tâm. Tiếng còi xe cấp cứu bà con đang nghe là xe cấp cứu 0 đồng chở bà bầu đi sinh em bé". Tất cả cư dân chúc bà bầu "mẹ tròn con vuông".
Một bà mẹ trẻ, là nhân viên y tế bệnh viện tuyến đầu điều trị Covid-19, nhắn gửi lời yêu thương cho hai đứa con nhỏ 4 tuổi và 2 tuổi, kèm hình ảnh hai bé ngồi ngơ ngác chờ mẹ: "Thương hai cục vàng của mẹ. Ở nhà với ba ngoan nhé. Đường về nhà còn xa".
Đây là lần thứ hai bà mẹ này phải xa con trong đại dịch. Lần trước là do bệnh viện bị phong tỏa, lần này là chung cư ở bị phong tỏa trong khi mẹ đang làm ở bệnh viện, và không thể bỏ nhiệm vụ về phong tỏa cùng con.
Lại một lời nhắn yêu thương: "Má Tư xin lỗi các con ở block 3 vì không thể đem sữa tặng các con như đã hứa, vì block 2 của Má Tư cũng mới bị tái phong tỏa. Má sẽ cố gắng nhờ các chú bảo vệ chuyển cho các con một cách an toàn nhé!"
Tôi nghe sóng mũi mình rất cay và mắt kính tự nhiên nhòe đi trong nắng mai Sài Gòn!
Ngày mai trời lại sáng, Sài Gòn ơi.
Lương Thanh Nguyễn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.