Tôi là một người phụ nữ đã có gia đình. Hai vợ chồng tôi sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Quãng đường từ nhà đến công ty của cả hai khoảng 15 km nên chúng tôi chọn đi lại bằng ôtô mỗi ngày. Chồng tôi là người cầm lái, còn tôi ngồi bên ghế phụ. Và đó cũng là dịp để tôi quan sát được cách lái xe của chồng.
Để kịp giờ vào làm (8 giờ sáng), chúng tôi thường phải ra khỏi nhà từ 6h30, do cung đường đến công ty phải đi qua khá nhiều điểm nóng về giao thông, thường xuyên xảy ra ùn tắc do lưu lượng phương tiện rất cao trong khung giờ cao điểm. Lý thuyết là vậy chứ thực tế đường thường đông hơn tôi tưởng, nên phải cố lắm chúng tôi mới tới công ty trước giờ quy định.
Vấn đề ở chỗ, chồng tôi có thói quen lái xe khá khó chịu. Anh ít khi chịu đi từ tốn mà luôn tìm cách vượt qua các xe khác để đi nhanh hơn. Hết đánh lái để luồn lách từ làn trong ra làn ngoài, chồng lại nháy đèn xin vượt hay bấm còi inh ỏi để các xe phía trước phải dạt qua cho mình lên trước.
Có bữa, phát bực với cách lái xe của chồng, tôi phải hét lên: "Anh chạy gì mà như ăn cướp vậy? Lái xe mà vội như thế thì tốt nhất đừng đi ôtô". Nhưng chồng tôi phản bác lại rằng: "Không đi nhanh như thế thì đến chừng nào mới tới được công ty?". Thực ra, tôi biết đường đi làm của chúng tôi rất tắc, nhưng đó không phải lý do để chồng lái xe như vậy. Tôi từng nhiều lần nói chồng đi làm sớm hơn cho thảnh thơi, nhưng anh không chịu vì tiếc giấc ngủ.
>> Đổ xăng đầy bình chỉ đi được 120 km vì vướng xe chạy 'rùa bò'
Tôi từng có dịp tới châu Âu công tác. Tại đây, người dân chủ yếu di chuyển bằng ôtô. Có một điểm chung đó là họ lái xe rất điềm đạm, gần như không có hiện tượng luồn lách, bon chen. Thay vào đó, dù đường đông hoặc ùn ứ do tai nạn, người ta cũng lái xe rất trật tự, có hàng lối, ai tới trước đi trước, còn người tới sau kiên nhẫn nối đuôi, kể cả có bận đến đâu. Nhờ thế mà giao thông của họ luôn thông suốt, ít khi xảy ra xung đột.
Còn ở chỗ tôi, kiểu lái xe như chồng tôi không hề hiếm gặp. Tôi ngồi trong xe chồng lái mà còn thấy khó chịu, chứ chẳng nói tới mấy người lái xe máy bên ngoài bị chồng tôi chèn ép. Không ít lần tôi nhận được những ánh mắt bực bội, những cái lườm đầy ức chế của người đi bên cạnh xe mình. Tôi tự nhủ: "Chẳng trách mà người đi xe máy cứ ác cảm với cánh chạy ôtô chúng tôi".
Gần đây, có nhiều vụ ẩu đả sau va phạm giao thông bị phát hiện và xử lý. Dễ thấy là người Việt thường tham gia giao thông với những cái đầu nóng. Họ muốn đi nhanh hơn người khác, muốn lợi cho mình, lái xe trong tâm trạng vội vàng, bực dọc, để rồi khi va chạm xảy ra, họ lao vào nhau như một cách giải tỏa căng thẳng dồn nén lâu ngày.
Các giải pháp giao thông chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian để nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm. Hiệu quả thực tế còn phải chờ đợi lâu hơn nữa. Thế nên, thứ trước mắt mà người Việt có thể làm được ngay là thay đổi thói quen lái xe và văn hóa tham gia giao thông. Nếu đường tắc, tôi mong mỗi người hãy chủ động điều chỉnh thời gian khởi hành để lái xe điềm đạm hơn, thay vì cứ phải bon chen, kèn cựa nhau, để rồi lúc nào cũng ra đường với tâm lý vội vàng.
- 'Sáu năm chưa nghe thấy tiếng còi xe ở Đức'
- 4.800 tài xế vi phạm giao thông ngày Tết thách thức mức phạt nặng
- Vi phạm đầy đường Hà Nội dù tăng nặng mức phạt
- Trái đắng khi luồn lách ôtô vào đường nhỏ để né tắc đường
- 'Ý thức tài xế ôtô chẳng hơn gì người đi xe máy'
- Ba nhóm người ở ngã tư tắc cứng