Tác giả Bui Loc Truong đã bày tỏ nỗi bức xúc trong bài viết "Hàng xóm hát karaoke từ 6h đến 21h để né quy định xử phạt". Thực tế, quy định cấm gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau khiến việc xử phạt hành vi hát karaoke gây ồn trong khu dân cư không được xử lý một cách triệt để, tạo nhiều kẽ hở khiến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày càng trở nên phức tạp.
Chia sẻ nỗi bức xúc khi là nạn nhân của nạn karaoke "tra tấn", tuy nhiên độc giả Sông Đông êm đềm lại phân tích câu chuyện trên theo góc độ pháp lý:
"Nhiều người cứ bảo bị làm ồn thì sao không báo công an xử lý ngay mà cứ kêu than. Tuy nhiên, các bạn nên nhớ, muốn xử lý bất cứ vi phạm gì cũng phải căn cứ vào các quy định trong luật đầu tiên. Rõ ràng, họ làm ồn thật, nhưng chiếu theo quy định hiện hành, họ chẳng vi phạm điều khoản nào cả, vậy làm sao cơ quan chức năng xử phạt được?
Việc xử phạt phải dựa trên luật pháp cụ thể chứ không thể nói chung chung theo kiểu cảm tính là "tôi thấy ồn nên xử phạt" được. Nếu bạn nói quy chuẩn chỉ cho phép độ ồn tối đa tương đương một cái máy hút bụi gia đình, thì phần lớn người Việt đều phải bị phạt mới đúng. Đơn giản bạn khoan một mũi khoan vào tường đã vượt quá mức ồn cho phép rồi. Ngay cả tiếng loa phường phát hàng ngày ở gần nhà tôi cũng độ ồn cũng cao hơn thế. Có khi tiếng còi xe cũng lên đến hàng trăm db. Theo tôi, đấy là cái khó nhất khiến nạn karaoke tại gia gây ồn chưa thể bị dẹp bỏ.
>> Quy định cấm hát karaoke sau 22h có như không
Cái khó thứ hai là muốn xử phạt, cơ quan chức năng cũng phải có máy đo tiếng ồn theo tiêu chuẩn. Mặc dù nhiều người bảo điện thoại cũng có chức năng đo mức ồn nhưng đó ko phải là căn cứ để có thể xử phạt được. Bằng chứng là xử phạt lỗi chạy xe quá tốc độ hoặc nồng độ cồn, mặc dù một cái máy đo chuyên dụng còn mới, nguyên tem bảo hành nhà sản xuất, đang hoạt động bình thường, nhưng nếu thiếu tem kiểm định đo lường thì cũng không đủ tiêu chuẩn để lập biên bản xử phạt, nói gì đến điện thoại hay những thiết bị không chuyên.
Thế nên, độ ồn đo bằng điện thoại chỉ có tác dụng tham khảo, vì độ nhạy, độ chính xác của mỗi thiết bị mỗi khác, chưa kể việc thu âm có đúng khoảng cách tiêu chuẩn hay không?
Với khung pháp lý hiện tại của nước ta về tiếng ồn, tôi hoàn toàn thông cảm với lực lượng công an khu vực khi không thể muốn là xử phạt được. Cùng lắm, họ cũng chỉ có thể nhắc nhở trên tinh thần tự giác chứ không thể đủ chế tài để đòi phạt này phạt kia. Muốn lực lượng chức năng có thêm quyền hạn để xử lý vi phạm tiếng ồn, chúng ta buộc phải điều chỉnh lại luật, tạo thêm căn cứ, cơ sở pháp lý để xử phạt vi phạm.
Như khu tập thể tôi ở, hình thành một quy ước là các khung giờ từ 18h hôm trước đến 7h20 sáng hôm sau, và từ 12-13h trưa mỗi ngày (kể cả chủ nhật), không ai được gây ồn ào, tiếng động lớn, làm ảnh hưởng tới các hộ xung quanh. Khi mọi thứ trở thành nếp sẽ tạo nên cái gọi là văn hóa chung. Từ đó, những người mới đến sinh sống cũng buộc phải tuân thủ theo quy tắc chung.
Tóm lại, mặc dù rất dị ứng với việc mở loa ầm ĩ, gây ảnh hưởng tới hàng xóm xung quanh, nhưng cơ bản hành lang pháp lý của chúng ta chưa đủ để xử phạt hành vi này. Thế nên, hãy bắt đầu từ việc điều chỉnh luật trước khi nghĩ tới những hành động khác để dẹp nạn ô nhiễm tiếng ồn khu dân cư".