Sáng 25 tháng Chạp, tôi đi hớt tóc. Tiệm đông nghẹt người, khách ngồi chờ xếp hàng dài. Phải lấy số thứ tự, ngồi đợi một tiếng rưỡi, cuối cùng cũng đến lượt. Giá cắt tóc 80 nghìn, anh thợ cười xin thêm 20 nghìn, giải thích: "Tết mà".
28 Tết, chị gái tôi đi làm tóc, làm móng. Chờ đợi cả buổi chiều đến tối, về nhà bực dọc vì giá làm tăng vọt. Chủ tiệm chỉ cười: "Tết mà".
29 Tết, tôi đi ăn hủ tíu ở quán quen. Một bảng thông báo treo trước quán: "Phụ thu 10 nghìn đồng mỗi tô". Tôi chỉ nghĩ: "Thôi kệ, Tết mà".
Sáng mùng Một, đi chùa đầu năm, tôi bắt gặp một đôi vợ chồng dừng xe bên đường. Anh chồng mua liền 20 tờ vé số, chị vợ cũng không than phiền. Tôi nghe loáng thoáng: "Thôi kệ, Tết mà".
Chúng ta vẫn hay dùng câu "Tết mà" như một lời bào chữa, xí xóa. Đó là cái cớ để làm những việc mà cả năm không dám hoặc không có cơ hội làm. Đó cũng là cách chúng ta tạm chấp nhận sự thay đổi, đôi khi là sự bất tiện, vào những ngày cuối năm.
Ai cũng biết, Tết là dịp bận rộn. Người thợ cắt tóc lẽ ra có thể về nhà phụ vợ dọn dẹp, nhưng vẫn ở lại tiệm để phục vụ khách. Chị làm tóc, móng hay người bán hủ tíu cũng vậy, chấp nhận hy sinh thời gian quây quần bên gia đình để làm việc xuyên Tết. Giá cả tăng lên đôi chút, nhưng đó là công sức, là chi phí cho hàng hóa, nhân công tăng cao vào ngày Tết.
Nhiều người bảo sau Tết không thấy giá cả xuống. Tôi cho là chưa đúng. Hàng quán phụ thu là riêng rẽ, đâu phải kiểu thiết lập mặt bằng giá chung. Trăm người bán, vạn người mua, qua Tết hàng quán nào không chịu đưa giá về mức cũ thì mình đi quán khác. Trăm người bán, vạn người mua mà.
Nhìn sâu hơn, "Tết mà" là lời nhắc nhở: Tết không chỉ là dịp sum vầy, nghỉ ngơi, mà còn là cơ hội làm mới chính mình, để bắt đầu một năm với hy vọng và niềm vui. Dẫu vật giá có tăng, dịch vụ có phụ thu, thì điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta có một cái Tết để "đổ thừa", để yêu thương, để sống trọn vẹn.
Vậy nên, chúc tất cả chúng ta năm nào cũng có cái Tết để mà xí xóa, để mà mỉm cười, và để mà nhắc nhở: "Tết mà".