Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của một số "ứng viên", cụ thể là vaccine Oxford, khả quan và rất đáng khích lệ. Tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian theo dõi diễn biến sức khỏe sau tiêm của các tình nguyện viên để xác nhận nó có thật sự an toàn hay không.
Thông tin trên được đưa ra ngay sau khi AstraZeneca công bố "ứng viên" vaccine Covid-19 của họ cho phản ứng miễn dịch và sinh kháng thể chống lại Covid-19 ở cả người cao tuổi và trẻ tuổi. Hãng dược cũng cho biết thêm, tỷ lệ xuất hiện phản ứng phụ bất lợi ở người cao tuổi thấp hơn so với nhóm tình nguyện viên trẻ hơn. Kết quả này khiến nhiều người kỳ vọng một loại vaccine nCoV tiềm năng có thể được chấp thuận trước cuối năm nay.
Khi được yêu cầu trả lời về bản cập nhật kết quả thử nghiệm từ AstraZeneca, người phát ngôn của WHO nói với CNBC rằng: "Hệ thống miễn dịch ở người cao tuổi yếu hơn khi đối đầu với Covid-19. Vì vậy chúng tôi hy vọng rằng những loại vaccine giúp chống lại nCoV được chấp thuận trong tương lai sẽ đề cao tính an toàn, hiệu quả, nhất là khi sử dụng trên nhóm dân số có nguy cơ nhiễm bệnh với tỷ lệ tử vong cao này".
Cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc cũng cho biết người cao tuổi thường có biểu hiện bệnh nghiêm trọng so với người trẻ khi nhiễm Covid-19. Thông tin này giúp củng cố việc cần cẩn trọng khi xem xét tính an toàn của vaccine mới.
![Một nhiên viên nghiên cứu đang với lấy lọ thí nghiệm chứa mẫu thử vaccine trong phòng thí nghiệm ở Meriden, Connecticut, Mỹ, ngày 12/3. Ảnh: Jessica Hill/AP.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/10/29/773x435-cmsv2-2611e931-937a-58-6936-8843-1603943858.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dhJ950gG__XtUyTcFfskvg)
Một nhiên viên nghiên cứu lấy lọ thí nghiệm chứa mẫu thử vaccine trong phòng thí nghiệm ở Meriden, Connecticut, Mỹ, ngày 12/3. Ảnh: Jessica Hill/AP.
Người phát ngôn của WHO nhấn mạnh rằng, việc ghi chép về tính an toàn và hiệu quả của một loại vaccine sắp được sử dụng rộng rãi là rất quan trọng. Cần có đầy đủ dữ liệu và theo dõi lâu hơn để thu thập bằng chứng trước khi đưa ra quyết định cấp phép lưu hành. Dù sử dụng cho nhóm người nào, nguy cơ cao hay những nhân viên y tế tuyến đầu, vaccine cũng cần đáp ứng đầy đủ những tiêu chí trên. Mặt khác, dù có vaccine hay không, WHO vẫn khuyến cáo các địa phương nên duy trì biện pháp phòng chống dịch, nhất là giữ khoảng cách nơi công cộng.
Những khuyến cáo trên của WHO được đưa ra vào thời điểm nhiều người lo ngại viễn cảnh hạn chế đi lại và giãn cách xã hội do số ca nhiễm, tử vong do Covid-19 ở châu Âu và Mỹ có dấu hiệu tăng trở lại. Theo WHO, hiện toàn thế giới có hơn 100 "ứng viên" vaccine Covid-19 trong quá trình phát triển. Một vài trong số đó đã tiến hành các thử nghiệm giai đoạn cuối trước khi được phê duyệt chính thức.
WHO cho biết đang phối hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức y tế toàn cầu để tăng tốc độ đối phó với đại dịch. Họ cũng đã cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối bất kỳ loại vaccine an toàn và hiệu quả nào nhằm bảo vệ người dân ở tất cả các quốc gia. Trong đó, những quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ cao nhất sẽ được ưu tiên.
Thy An (Theo CNBC)