"Tôi từ dưới quê lên Sài Gòn vừa làm bồi bàn, vừa học đại học. Sau hơn 20 năm vất vả, tôi đã sử hữu vài công ty, có nhà, có đất, có xe... Ở thành phố, do tính chất làm ăn, nên tôi hay mặc đồ hiệu (một cây bút hay một cái áo bèo nhất cũng vài triệu đến vài chục triệu đồng). Nhưng về quê, tôi vẫn ăn mặc quần áo khá đơn giản cho thoải mái.
Ở quê, ai hỏi tôi cũng nói mình làm nhân viên văn phòng, đi làm công ăn lương như bao người khác. Cũng vì vậy nên chúng tôi vẫn bị sai bưng mâm, pha trà rửa chén... như bình thường. Thực tế, vợ tôi cũng là Giám đốc tài chính của một tập đoàn lớn ở Việt Nam. Nhưng vì không muốn khoe khoang nên vợ gặp ai cũng nói rằng 'chỉ làm nhân viên kế toán'.
Trong khi đó, tôi có nhỏ em bà con, lấy được chồng là Phó Giám đốc nhưng về quê lần nào cũng khoa trương. Mỗi lần hai vợ chồng em về là được bà con chào đón, o bế tiếp đón lắm vì nghĩ em là đại gia về làng, có địa vị, biết đâu sau này nhờ vả được".
Đó là quan điểm sống của độc giả Nghia xung quanh câu chuyện giả nghèo trước hàng xóm, bạn bè và họ hàng để giữ tình thân, hòa khí, tránh mâu thuẫn, rắc rối. Đây cũng là lựa chọn của không ít người để hy vọng cuộc sống của mình thoải mái hơn.
Cũng lựa chọn giấu sự giàu có để tránh ánh mắt đố kỵ của người xung quanh, bạn đọc Minh Phương chia sẻ: "Ba tôi vẫn hay dạy một câu: 'Con hãy sống sao để khi con giàu không ai biết, lúc con nghèo chẳng ai hay. Tôi áp dụng lời dạy này trong nhiều tình huống. Không chỉ là với tiền bạc mà cả những khía cạnh khác của cuộc sống. Tôi không tiêu xài xa hoa, cái gì cần mới mua, không phân biệt đồ hiệu hay hàng chợ, cứ phù hợp là xài. Ăn uống trong nhà đầy đủ, chỉ tôi biết. Còn khi ra ngoài, ai sao thì tôi vậy, có gì ăn đó, không đòi hỏi, rất 'dễ nuôi'.
Tôi cũng từng có giai đoạn bị kẹt vốn trong các dự án. Hôm nay tôi xài một đồng nhưng không biết ngày mai có được đồng nào không? Tôi vừa tiêu vừa run, mua miếng thịt cũng phải suy nghĩ. Nhưng mỗi khi mở cửa ra đường là tôi tươi cười chào hàng xóm, mọi người kêu đóng góp, tôi vẫn đưa ngay, không để ai biết mình gặp chuyện.
Khi trong túi chỉ còn 10 triệu đồng cuối cùng, may mắn tất cả các dự án đều thông và tôi lại tất bật đếm tiền mệt nghỉ. Tuy nhiên, khi mọi người hỏi 'năm nay làm ăn thế nào?', tôi chỉ bảo bình thường chứ không khoe khoang. Tôi vẫn mặc đồ cũ xì đi làm vườn. Tôi đóng góp liên hoan trong xóm cũng ai sao mình vậy và cho gì ăn đó, không chê khen, đòi hỏi.
Tôi từng trải qua trận ốm thập tử nhất sinh, bác sĩ còn nói 'về nhà nằm tùy duyên', nhưng cũng không kêu ca gì cả. Chỉ một vài bạn bè thân thiết biết tôi bệnh nặng. Nhưng nhờ trời thương, tôi đã vượt qua bạo bệnh và mọi sinh hoạt đến nay trở lại bình thường như cũ. Nói chung tôi cứ sống bình tĩnh, có không khoe khoang, thiếu không run rẩy. Người ta luôn thấy tôi như vậy nên không ai ganh tị, cũng chẳng khinh khi. Lúc nào tôi cũng ở tầm trung là thấy an toàn nhất".
>> Tôi sốc nặng khi bị bạn thân giả nghèo vay tiền rồi quỵt nợ
Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn cách giấu giếm bản thân, độc giả Nguoixala thích sống thật với những gì mình có: "Tôi không thích giả dối, che giấu gì hết. Bản tính của tôi từ nhỏ đã thích bình dị, đơn giản mọi thứ, nên lúc trẻ ra đường, chú xe ôm còn tưởng tôi nghèo và không lấy tiền. Nhưng tôi vẫn nói thật hoàn cảnh của mình, sẵn sàng tiền trả và còn típ thêm cho chú vì sự tử tế.
Gia đình tôi ai cũng có cách sống thật như vậy. Suy cho cùng, nhìn lên tôi không giàu bằng ai, nên không cần thể hiện cái mình có để làm gì cả. Nhưng tôi cũng không giả nghèo để lợi dụng lòng thương của người khác. Cứ sống thật với những gì mình có, ai khổ hoạn nạn thì tôi giúp, có ít giúp ít, nhiều giúp nhiều. Tôi chẳng cần giả nghèo hay thể hiện giàu sang cho mệt người".
Đồng quan điểm, bạn đọc Khanhhoatrinh kể về trường hợp của bản thân: "Người em của tôi thậm chí còn giả nghèo suốt cả đời chứ chẳng phân biệt tình huống nào cả. Em có bốn căn nhà, một cái để ở, ba cái cho thuê. Tổng tài sản của em rất lớn nhưng chưa từng giúp đỡ anh, em lúc ốm đau, thiếu thốn, cũng chẳng cho ai vay mượn đồng nào.
Bạn bè cũ mời cưới thì em chỉ gửi phong bì mừng 100.000 đồng chứ không đi dự. Mỗi năm, đi họp lớp em cũng chỉ góp 100.000 đồng. Mấy ngày Tết thì cửa luôn đóng kín, cổng khóa trái, ai gọi cũng nói không có nhà. Trước khi tôi qua Mỹ định cư theo diện bảo lãnh, em còn hỏi: 'Qua đó bao lâu thì được xin trợ cấp xã hội?'. Nói chung, em giả nghèo đến nỗi tôi phải xa lánh, không muốn qua lại luôn".
Nhấn mạnh giá trị thực tế quan trọng hơn việc giả nghèo, khoe giàu, độc giả Ánh Dương kết lại:"Mùa đông năm tôi 17 tuổi, tôi được mời đến dự tiệc tại biệt thự trên đường Duy Tân của một người giàu bậc nhất Sài Thành thời điểm đó. Chúng tôi không thể ngờ mình lại thấy một vị chủ nhà không khác gì một người làm: ăn mặc giản dị, cùng vào bếp lo chuyện nấu nướng, hâm các món ăn và cười đùa thân mật với các gia nhân. Khi dọn tiệc, ông cũng đích thân bưng từng món lên bàn.
Đến khi bọn trẻ chúng tôi ăn xong, ngồi hát với nhau ông cũng đeo kính, cầm bản nhạc và hòa với niềm vui chung, dù đó là những bài hát Noel ông mới nghe lần đầu. Ông không phải mất công giả nghèo gì cả, vì cái đơn sơ, khiêm tốn, bình dị, hiền lành, dễ gần của ông là từ bên trong toát ra, cho dẫu ông ấy là 'nhà giàu khét tiếng'. Hôm ấy, điều làm chúng tôi ấn tượng, quý mến nhất, nhớ mãi chính là bản thân ông bác phúc hậu chứ không phải những món ăn đắt tiền, nhà cửa lộng lẫy sang trọng".
- Mạng xã hội là nơi khoe khoang sự hoàn hảo
- Người học võ chân chính không thách đấu nhiều để khoe khoang
- Tôi sống kiểu 'quê mùa' dù có nhà, xe hơi
- Sống tối giản để tiết kiệm 70% thu nhập
- 'Lương tháng 50 triệu, tiết kiệm 30 triệu'
- 'Thu nhập 60 triệu mỗi tháng vẫn phải sống khổ để mua nhà'