Hôm qua, trong lúc lướt mạng xã hội, tôi tình cờ xem được một bài chia sẻ trong một nhóm chuyên về giao thông với hình ảnh một tấm biển được chủ nhà treo trước cổng với nội dung: "Nhà có xe ra vào. Đậu xe trước nhà xin vui lòng để lại số điện thoại. Xin cảm ơn!".
Tôi bật cười và nghĩ bụng: "Đó chính là điều mà tôi và có lẽ là tất cả những tài xế khác đều mong được thấy nhiều hơn giữa thành phố này: một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, không gay gắt nhưng đủ để chạm vào ý thức người khác.

Thông báo của một chủ nhà ở TP HCM nhắc nhở tài xế đỗ xe chắn cửa. Ảnh: Facebook
Hình ảnh này khiến tôi nhớ lại chính câu chuyện mà bản thân từng gặp phải cách đây vài tháng. Hôm đó là một sáng thứ hai đầu tuần, trời mưa nhẹ, đường Sài Gòn đông đúc. Tôi có một buổi họp gấp với đối tác nhưng vòng xe quanh mấy con phố nhỏ vẫn không tìm được chỗ gửi xe nào. Cuối cùng, tôi đánh liều đậu tạm sát lề đường trước một căn nhà mặt tiền, cố gắng chừa lối ra vào cho họ nhưng vẫn hơi lấn một phần hiên nhà.
Tôi biết đó không phải chỗ đỗ xe lý tưởng, nên cũng có chút áy náy. Nhưng vì đường không có biển cấm dừng đỗ, lại vội quá, tôi vẫn rời đi mà quên để lại số điện thoại trên xe. Khoảng 30 phút sau, khi vừa kết thúc cuộc họp, điện thoại tôi hiện thông báo từ một nhóm Facebook về giao thông. Một bài đăng có ảnh chiếc xe của tôi bị bôi vẽ lem nhem, kèm lời chú thích: "Cái giá cho chủ xe đỗ ôtô chắn ngay cổng nhà người khác".
>> Tôi không đỗ xe trước cửa nhà người khác
Tôi lập tức xin phép rời họp, chạy ra xe. Khi tới nơi, tôi sững sờ. Trên kính xe tôi là một vết mực đỏ chót ghi hai chữ: "CẤM ĐẬU", bên hông xe là nhiều dòng chữ khác thô tục hơn, viết bằng mực đen. Một viên gạch xây được đặt trên nắp capo như một lời cảnh báo.
Lúc đó, tôi chỉ thấy xấu hổ và giận dữ, nhưng phần lớn là bất lực. Tôi hiểu mình sai vì không để lại số liên lạc. Nhưng hành động đáp trả ấy, với tôi, là một sự thù hằn hơn là nhắc nhở. Một cách dằn mặt mà không chừa cho người ta cơ hội sửa sai.
Nhìn sang căn nhà kế bên, tôi thấy cửa đóng kín, khóa trái từ bên ngoài, chắc có lẽ chủ nhà đã rời đi. Vậy là, tôi đành lủi thủi đánh xe đi khỏi. Vài ngày sau, tôi quay lại khu vực ấy để tìm gặp chủ nhà và nói lời xin lỗi. Một người đàn ông ngoài 50 tuổi mở cửa sau khi nghe thấy tiếng chuông của tôi.
Tôi chân thành nhận lỗi và mong được bỏ qua. Nhưng đáp lại tôi, người chủ nhà xổ ra một tràng như thể còn nguyên sự bực tức: "Mấy người lái xe giờ coi trời bằng vung, có xem ai ra gì đâu. Ai cho phép đỗ xe trước cửa nhà người khác? Không có mắt à?". Rồi chẳng để tôi kịp nói lời nào, người đàn ông đóng sầm cửa lại.
Tôi không đổ lỗi cho chủ nhà vì tôi biết mình là người sai trước. Nhưng tôi cũng tin rằng, nếu hôm đó ông ta chỉ để lại một tờ giấy nhắc nhở lịch sự, nhẹ nhàng, thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Sự gay gắt chỉ làm người ta sợ, chứ không khiến người ta muốn tử tế hơn. Tôi rút ra một điều: Trong một xã hội ngày càng chật chội, nếu ai cũng chọn cách "ăn miếng trả miếng", thì mâu thuẫn chỉ chồng thêm mâu thuẫn mà thôi.
Tất nhiên, từ sau hôm đó, tôi luôn in sẵn một tấm biển nhỏ để trên taplo xe trước khi đậu xe ở đâu đó: "Nếu xe tôi làm phiền bạn, xin hãy gọi theo số... tôi sẽ đến ngay".
Đỗ xe sai một lần, tôi đã nhận được một bài học lớn, không chỉ về cách đậu xe, mà còn về cách một lời nhắc nhở có thể khiến người khác thay đổi hoặc làm họ tổn thương. Xã hội muốn văn minh, đâu thể chỉ dựa vào những tấm biển cấm tự phát hay những vệt sơn cảnh cáo.
- Mệt mỏi giành giật từng mét đường với những tài xế đỗ xe chắn cửa
- Ai cũng nghĩ mình đúng khi giành chỗ đỗ xe trước cửa nhà
- 'Cấm đỗ xe trước cửa vì tư tưởng độc chiếm toàn bộ mặt tiền nhà'
- Cấm đỗ xe trước cửa - 'quyền lực ảo của nhà mặt phố'
- Bất lực tìm chỗ đỗ xe vì nhà mặt tiền coi lòng đường là của riêng
- Tôi bị gọi là 'vô văn hóa' vì đỗ xe trước cửa nhà người khác