BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo như trên trước thông tin nhiều người dân săn lùng tìm mua thuốc kháng virus, kháng sinh về uống khi mắc cúm. Trước đó, nhiều người mắc cúm A nghĩ bệnh nhẹ, tự dùng thuốc tại nhà dẫn đến biến chứng suy hô hấp, phổi tổn thương nặng. Theo bác sĩ Phương, việc tự sử dụng thuốc không được khuyến khích vì những lý do sau:
Gây tác dụng phụ không mong muốn
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus cúm Influenza virus gây ra. Việc một số người dân tự ý mua các thuốc như kháng sinh, kháng viêm để điều trị nếu sử dụng không đúng, hoặc lạm dụng sẽ không có tác dụng điều trị bệnh mà trong một số trường hợp có thể gây ra tác dụng phụ như ngứa ngáy khó chịu, nổi ban, tiêu chảy, thậm chí, có cơ địa bị phản ứng phản vệ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Tăng khả năng bội nhiễm vi khuẩn
Bác sĩ Phương nhận định, thuốc kháng sinh chỉ có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, không có mục đích điều trị virus cúm. Các nghiên cứu chỉ ra, việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian bị cúm có thể gây hại và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi do vi khuẩn khi bị cúm. Hơn nữa, khi bệnh nhân cúm dùng thuốc kháng sinh, thuốc sẽ làm rối loạn hệ vi sinh vật trong ruột, ảnh hưởng đến hoạt động của bạch cầu ái toan và đại thực bào phế nang có chức năng bảo vệ và loại bỏ mầm bệnh khỏi phổi. Điều này khiến người dễ bội nhiễm vi khuẩn, từ đó có thể tăng nguy cơ viêm phổi, viêm toàn thân.
Tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn kháng thuốc
Thông thường, việc điều trị các bệnh do virus gây ra, trong đó có cúm, sẽ tập trung vào việc điều trị hỗ trợ như giảm đau và hạ sốt kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống khoa học... Kháng sinh chỉ được sử dụng khi bị bội nhiễm do vi khuẩn, cần bác sĩ kê đơn, hướng dẫn sử dụng. Nếu sử dụng kháng sinh thường xuyên, quá liều, khả năng vi khuẩn kháng thuốc tăng lên. Ví dụ vi khuẩn pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh) kháng nhiều loại thuốc kháng sinh, gây ra nhiễm trùng đường ruột và đường tiết niệu, viêm phổi, tấn công vào vết thương, vết mổ của người bệnh, dẫn đến nhiễm khuẩn nặng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo kháng sinh (AMR) là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Vì vậy, khi mắc bệnh, người dân nên tuân thủ chỉ định dùng thuốc của y bác sĩ.
Gây tốn kém, tăng nguy cơ nhập viện
Theo bác sĩ Phương, người có nguy cơ nhiễm cúm nặng hoặc biểu hiện nhiễm cúm nặng, có thể sử dụng thuốc kháng virus để ngăn mầm bệnh nhân lên, tấn công ồ ạt cơ quan nội tạng. Song, thuốc này chỉ hiệu quả trong vòng 48-72 giờ kể từ khi mắc bệnh và cần được bác sĩ chuyên khoa kê đơn, hướng dẫn sử dụng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không tự ý mua thuốc kháng virus để tự điều trị cúm tại nhà. Việc này có thể gây tốn kém không cần thiết, gia tăng nguy cơ kháng thuốc và làm khan hiếm thuốc.
Cách phòng cúm mùa
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan trong cộng đồng từ người sang người thông qua đường hô hấp. Các chủng phổ biến là cúm A/H1N1, A/H3N2 và B. Mầm bệnh có thể tồn tại hàng giờ bên ngoài môi trường, đặc biệt lâu hơn ở nhiệt độ lạnh, ẩm thấp.
Việt Nam hiện ghi nhận nhiều ca mắc cúm, trong đó có ca biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải đặt hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể ECMO. Cách phòng cúm hiệu quả nhất là tiêm vaccine hàng năm. Lý do, virus cúm liên tục thay đổi cấu trúc kháng nguyên và bệnh diễn ra quanh năm, đặc biệt khi thời tiết giao mùa, chuyển lạnh. Việc tiêm nhắc định kỳ vắc xin cúm giúp phòng ngừa hiệu quả bảo vệ với chủng cúm lưu hành theo khuyến cáo và duy trì hiệu quả phòng bệnh bằng vaccine.
Hiện Việt Nam có đầy đủ các loại vaccine cúm phòng các chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm. Người từ 9 tuổi trở lên, cần một liều cơ bản và nhắc lại hàng năm. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ ba tháng giữa thai kỳ trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.
Ngoài vaccine, người dân nên nâng cao sức khỏe tổng thể bằng cách đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên vận động, ngủ nghỉ hợp lý để nâng cao thể trạng. Mọi người cũng nên giữ nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên súc họng, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, mang khẩu trang khi đến nơi đông người. Khi không may mắc cần đi khám sớm, không nên tự dùng kháng sinh, điều trị theo mẹo dân gian khiến bệnh nặng hơn.
Diệu Thuần