(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Luật sư Khanh, đang làm việc tại Mỹ, chia sẻ bài viết sau việc người biểu tình Mỹ yêu cầu giải tán hoặc cắt giảm ngân sách cảnh sát:
Mấy hôm nay dư luận bắt đầu bàn tán về yêu cầu giải tán cảnh sát ở Mỹ. Thật ra điều này không đúng với sự thật, người biểu tình kêu gọi "defund", tức là ngưng hay giảm bớt cấp ngân sách cho lực lượng cảnh sát.
Hoạt động của cảnh sát Mỹ chỉ thể hiện qua phim ảnh với người ngoài và thể hiện qua vài lần bị cảnh sát hỏi thăm của đa phần dân thường ở Mỹ. Thật ra hoạt động thường ngày của cảnh sát không hào nhoáng, không nguy hiểm, và cũng không bạo lực như những gì diễn ra trên truyền thông.
Trách nhiệm của cảnh sát thì ai cũng biết, còn họ làm việc đó ra sao thì ít ai có được một bức tranh toàn cảnh. Ở Mỹ, nhà tù rất đông, số lượng tù nhân lớn nhất thế giới, cũng như tỷ lệ giam giữ trên đầu người nhiều nhất.Trong khi đó, chẳng ai lại cho rằng nước Mỹ bạo lực nhất thế giới.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Nước Mỹ vẫn chỉ 'triều đình đi dẹp loạn'
>> Vì sao người Mỹ thu nhập 100 nghìn đôla vẫn được nhận trợ cấp
Vì sao ở Mỹ người ngồi tù lại đông như vậy? Hệ thống tư pháp của Mỹ có một số đặc điểm rất bất cập mà hậu quả thì ít ai nhìn thấy. Hình phạt tù của Mỹ rất cao cho những tội như sở hữu lượng nhỏ ma tuý, ăn cắp vặt, uống rượu lái xe, say rượu ngoài đường, gây rối trật tự công cộng.
Nhà tù của Mỹ cũng đầy những bệnh nhân tâm thần. Ở Mỹ, người bệnh tâm thần vốn đã đông do cuộc sống quá căng thẳng mà người dân hầu như không chịu chăm sóc người thân bị bệnh tâm thần. Số giường bệnh tâm thần rất ít, người bị tâm thần chưa phạm tội bạo lực nghiêm trọng bị tống ra đường chứ không có trại tâm thần. Những người này sẽ nhanh chóng lâm vào cảnh ăn cắp vặt, sử dụng ma tuý, say rượu ngoài đường, họ bị bắt vào lại vào tù.
Ngày còn là sinh viên luật, tôi đã có thời gian thực tập tại văn phòng luật sư công. Người bị khởi tố tội hình sự nếu không có tiền thuê luật sư riêng thì sẽ được cấp cho một luật sư công. Các luật sư công lúc nào cũng đầy việc và họ có rất nhiều sinh viên thực tập.
Vụ việc làm tôi lăn tăn tới tận bây giờ liên quan tới một người tâm thần vô gia cư. Theo cáo trạng, ông này vào cửa hiệu Seven-Eleven, rót cà phê rồi không trả tiền mà đi ra nên cảnh sát được gọi tới. Khi họ tới thì lại gặp ông này đứng phía sau trong một con hẻm với cái quần bị tụt xuống. Ông ta bị khởi tố tội ăn cắp và tội khoe thân thể một cách tục tĩu ("indecent exposure"), một tội liên quan tới tình dục.
Hai tội này sẽ dẫn tới một bản án rất nặng nề trong khi thực tế diễn ra không có gì quá đáng. Ở một mặt khác, có cho ông ta đi khám tâm thần cũng chả ích gì vì nếu "may" thì ông ta sẽ bị đưa vào trại tâm thần hạng nặng, với điều kiện sống còn tồi hơn trong tù, còn nếu bị cho là không có bệnh thì ông ta sẽ phải đối mặt với cáo trạng như trên. Trong trường hợp này, các luật sư thường "bỏ qua" chuyện bị bệnh tâm thần với hi vọng sẽ cãi được bớt tội. Thực tế thì ông này trước sau cũng vào tù, dù là án có ít đi, trong khi thực sự cái mà ông ta cần là được ở trong một bệnh viện có điều kiện, không bị xiềng xích và được chăm sóc y tế.
>> Thư một người Việt từ Mỹ: 'Chúng tôi không thở được'
Chính phủ Mỹ đối phó với tình trạng bệnh tâm thần, nghiện ma tuý và các tội vặt bằng cách thuê thêm cảnh sát, mở rộng thêm nhà tù. Kết quả sau cùng là những cảnh sát mẫn cán quá đáng, những người bị những án tù quá nặng, và những ám ảnh không có thực về tình trạng bạo lực của tội phạm. Người dân nhìn lượng người trong tù cao và tin rằng xã hội có nhiều tội phạm bạo lực, cần thêm cảnh sát. Cái vòng lẩn quẩn đó cứ tiếp tục và ngày một tồi tệ.
Để mọi thứ càng thêm đau khổ, nhà tù ở Mỹ là do ... các công ty tư nhân điều hành. Họ nhận ngân sách của nhà nước là lo mọi cơ sở hạ tầng, thức ăn quần áo và mọi nhu cầu của phạm nhân, nhà nước chỉ việc cung cấp quản giáo. Các công ty này mà không có đủ tù nhân thì họ lại phá sản. Đây là một động cơ rất kỳ quặc của tình trạng người bị giam giữ cao mà ít ai biết tới.
Nhiều người vì thế kêu gọi chuyển hướng dòng ngân sách cho cảnh sát qua chỗ khác. Cụ thể là dùng ngân sách để xây bệnh viện tâm thần và cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế cho người bị bệnh tâm thần không bạo lực. Các trung tâm cai nghiện bắt buộc miễn phí sẽ giảm bớt tình trạng sử dụng ma túy và các cảnh sát không còn phải bận tâm đi bắt người nghiện mà có thể tập trung bắt kẻ buôn bán ma túy. Các khu nhà ở của chính phủ cấp cho người vô gia cư sẽ giảm thiểu tình trạng gây rối trật tự công cộng hay say rượu ngoài đường. Các chương trình trợ cấp xã hội tốt sẽ giảm ăn cắp vặt hay xài tiền giả vặt vãnh.
Làm như vậy thì số cảnh sát không cần phải quá nhiều như hiện nay mà số vụ tiếp xúc của cảnh sát với người dân cũng giảm đi. Như vụ của George Floyd chẳng hạn, bốn cảnh sát được gọi tới để đối phó với một người bị nghi xài 20 USD tiền giả. Nếu anh này không mất việc và không nghèo đói thì chắc cũng chả phải xài tiền giả, vụ này thậm chí sẽ chẳng diễn ra.
>> Mặt trái của xã hội Mỹ trong Covid-19
Ý tưởng cắt bớt ngân sách cho lực lượng cảnh sát được xây dựng trên tinh thần "phòng bệnh hơn chữa bệnh" đối với các hành vi phạm tội. Ngân sách đó sẽ chuyển sang việc phòng tội phạm, nâng cao đời sống để giảm bớt nguyên nhân phạm tội. Đây là mô hình mà các nước bắc Âu đã rất thành công khi phúc lợi xã hội tốt, người bị bệnh tâm thần và nghiện ma tuý được giúp đỡ và chữa trị.
Nhiều người Mỹ tin rằng những gì diễn ra ở Mỹ là hay nhất trên thế giới, và nền kinh tế lớn nhất thì cũng đúng nhất trong mọi vấn đề. Thực tế thì không phải như vậy, nhiều việc ở Mỹ rất bất cập và khi những vụ bạo loạn nổ ra thì người ta mới nhìn thấy những mâu thuẫn trong xã hội Mỹ. Người dân Mỹ sau cùng thì tôn trọng các giá trị dân chủ. Việc họ yêu cầu cắt ngân sách cho cảnh sát là một phần của việc tôn trọng các giá trị con người.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh