Gần đây, một bài viết trên mạng xã hội chia sẻ nội dung: "Ngủ trong phòng bật điều hòa đóng kín lâu ngày dẫn đến thiếu oxy, dư CO2, gây mệt mỏi, rụng tóc, stress, mất ngủ". Người này dẫn chứng, chỉ số CO2 khi dùng điều hòa suốt đêm lên tới 2.000 ppm - trong khi mức an toàn chỉ dưới 700 ppm. Thông tin này khiến nhiều người lo lắng, hoang mang.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga), điều hòa chỉ làm mát, không tạo ra CO2 hay độc chất khác. Sự gia tăng nồng độ CO2 trong phòng chủ yếu xuất phát từ hơi thở của những người trong phòng. Một người trưởng thành có thể thải ra 120-160 lít CO2 trong 8 giờ ngủ. Nếu hai người, lượng này tăng gấp đôi, và không gian càng nhỏ, CO2 càng tích tụ nhanh hơn.
Khi phòng đóng kín để giữ nhiệt, trao đổi khí với bên ngoài gần như không có nên lượng oxy giảm, CO2 tăng nhanh, dễ gây cảm giác bí bách, uể oải. Điều hòa không cấp thêm khí tươi từ ngoài mà chỉ tuần hoàn không khí trong phòng. Nếu phòng ngủ không thông gió trong suốt 7-9 tiếng, CO2 có thể tích tụ mức đáng báo động.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) và Hiệp hội Kỹ sư Nhiệt lạnh Mỹ (ASHRAE), nồng độ CO2 trong nhà nên giữ dưới 1.000 ppm để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu tại Singapore và Đan Mạch ghi nhận, chỉ sau một đêm ngủ điều hòa trong phòng kín, CO2 có thể dao động từ 1.500 - 1.900 ppm, dẫn đến ngột ngạt, đau đầu nhẹ, giảm chất lượng giấc ngủ và gây mệt mỏi khi thức dậy.
Khi CO2 vượt 2.000 ppm, người trong phòng có thể mắc các triệu chứng như mệt dai dẳng, khó tập trung, giảm nhận thức. Mức trên 2.600 ppm làm giấc ngủ và hiệu suất làm việc, học tập giảm sút rõ rệt. Chất lượng giấc ngủ kém còn khiến khả năng kiểm soát cảm xúc suy giảm, nguy cơ căng thẳng, mệt mỏi tăng cao.
Ngoài ra, theo PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, phòng kín điều hòa có lượng oxy chỉ bằng một phần ba so với phòng mở, không khí khó lưu chuyển nên dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, bụi, nấm mốc bám vào da, niêm mạc hô hấp, tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu hệ thống lọc của điều hòa không được vệ sinh thường xuyên, tác nhân gây bệnh hít vào dễ ảnh hưởng đến phổi, đặc biệt khi ngồi chung phòng với người bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp.
Để sử dụng điều hòa an toàn, bác sĩ Hoàng khuyến nghị nên thông gió hợp lý bằng cách mở hé cửa sổ hoặc cửa ra vào khoảng 5-10 cm, kết hợp rèm chắn, lưới chống muỗi hoặc sử dụng quạt thông gió. Nhiều dòng điều hòa hiện đại tích hợp chế độ cấp gió tươi từ ngoài hoặc cảm biến CO2 giúp duy trì chất lượng không khí. Người dùng nên cân nhắc sử dụng máy đo CO2 đặt cạnh giường để chủ động kiểm soát và mở cửa khi nồng độ vượt mức cho phép, đồng thời dùng máy tạo ẩm hoặc chậu nước để giữ ẩm không khí.
Không nên nằm hoặc làm việc liên tục dưới điều hòa quá 6 giờ một ngày. Gia đình cần vệ sinh điều hòa 2-3 lần mỗi năm, tùy tần suất sử dụng. Dùng quanh năm thì cần bảo dưỡng định kỳ 3-4 tháng một lần, còn sử dụng chủ yếu vào mùa hè nên vệ sinh vào đầu và cuối mùa. Điều hòa ở môi trường công sở, xí nghiệp cần được làm sạch mỗi ba tháng để hạn chế tích tụ bụi bẩn và mầm bệnh.
Thùy An