Ngày 11/2, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết u ở giai đoạn T1B tức giai đoạn sớm, tế bào chưa xâm lấn ra ngoài vỏ bao thận. Kích thước u 4,5x5 cm, ở cực trên thận phải, nằm sát tĩnh mạch thận phải (mạch máu đưa máu từ thận về tim), gần tĩnh mạch chủ bụng, ngay bên dưới gan, gần tá tràng (phần ruột non nối với dạ dày) và đại tràng.
Theo bác sĩ Cương, với ung thư thận giai đoạn sớm, phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất so với xạ trị hoặc hóa trị. Song trường hợp này, u thận nằm ở vị trí nguy hiểm, nếu phẫu thuật tiềm ẩn rủi ro mất máu, thậm chí phải cắt thận.
![Ảnh chụp CT cho thấy khối u thận phải (khoanh đỏ) của ông Dũng nằm ở vị trí phức tạp, gần nhiều cơ quan xung quanh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/U-than-cho-hiem-gui-bao-1-1739-7766-2333-1739266047.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GAqRWqm0s3804UfrxM4VGg)
Ảnh chụp CT cho thấy khối u thận phải (khoanh đỏ) của ông Dũng nằm ở vị trí phức tạp, gần nhiều cơ quan xung quanh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Người bệnh được đặt trong tư thế nằm nghiêng sang trái 45 độ. Do khối u bị che khuất bởi gan, các bác sĩ phải vén lá gan, bộc lộ không gian phẫu thuật. "Điều này không nguy hiểm nếu thực hiện đúng kỹ thuật", bác sĩ Cương nói, giải thích thêm cách này thường áp dụng cho trường hợp u ở cực trên thận bị gan che lấp...
Êkíp bóc tách cuống thận (khu vực hội tụ của tĩnh mạch thận, động mạch thận, niệu quản), bộc lộ động mạch và tĩnh mạch thận để kiểm soát máu chảy. Khối u được di động khỏi các cấu trúc xung quanh như gan, tĩnh mạch thận, tuyến thượng thận và cắt trọn vẹn, tránh làm tổn thương mạch máu thận của người bệnh. Sau 180 phút, ca phẫu thuật thành công, người bệnh mất máu không đáng kể.
![Êkíp phẫu thuật nội soi cắt u thận cho ông Dũng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/u-than-1739267456-1739267478-1-4537-2958-1739268268.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yptokqcT-FRA-FgDuqToQQ)
Êkíp phẫu thuật nội soi cắt u thận cho ông Dũng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
4 ngày sau mổ, ông Dũng phục hồi tốt, vết mổ khô, không còn đau, chức năng thận không thay đổi đáng kể, ăn uống và đi lại bình thường. Theo bác sĩ Cương, khối u thận đã được lấy đi, diện cắt không còn tế bào ung thư nên người bệnh chỉ cần tái khám định kỳ để theo dõi tái phát.
Ung thư thận là một trong ba loại ung thư thường gặp nhất trong hệ tiết niệu. Tổ chức ghi nhận Ung thư thế giới (Globocan), năm 2022 riêng tại Việt Nam, số ca mắc mới ung thư thận khoảng 2.240, tử vong 1.110 người.
Bác sĩ Cương cho biết phần lớn trường hợp ung thư thận ở giai đoạn sớm không có triệu chứng, nên người bệnh thường phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe. Khi triệu chứng rõ ràng như đau hông lưng, tiểu máu, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, ho dai dẳng, đau nhức xương... ung thư thận thường đã tiến triển xâm lấn tại chỗ hoặc di căn đến cơ quan xung quanh. Dù ở giai đoạn nào, phẫu thuật luôn là phương án điều trị được ưu tiên. Tùy theo đặc điểm khối u, giai đoạn ung thư, bác sĩ chỉ định cắt một phần hoặc toàn bộ thận. Ở giai đoạn muộn, sau khi phẫu thuật lấy đi toàn bộ tế bào ung thư, người bệnh có thể cần điều trị hỗ trợ với thuốc chống ung thư hoặc xạ trị.
Ung thư thận phát hiện càng sớm, khả năng điều trị khỏi hoàn toàn càng cao. Khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần có thể phát hiện sớm và điều trị triệt căn. Người bệnh có triệu chứng tiểu máu, đau bụng vùng hông lưng dai dẳng hoặc sờ thấy có khối u, cần sớm đến bệnh viện khám, chẩn đoán chuyên sâu để tìm ra nguyên nhân, điều trị phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |