BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết vaccine sởi được nhiều quốc gia đưa vào chương trình tiêm chủng cho người dân nhiều năm qua. Vaccine hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, đồng thời giảm biến chứng nặng do sởi trên bệnh nhân. Khi tỷ lệ tiêm chủng cao, virus sởi không có cơ hội lây lan, đồng thời bảo vệ nhóm người không thể tiêm vaccine như trẻ sơ sinh, thai phụ, người suy giảm miễn dịch.
Ngược lại, khi tỷ lệ tiêm chủng thấp, dịch sởi xảy đến. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới hồi tháng 7/2024 chỉ ra tỷ lệ tiêm chủng thấp gây dịch sởi ở 103 quốc gia trong 5 năm. Trong đó, toàn cầu ghi nhận gần 664.000 ca sởi trong năm 2023, gấp hơn ba lần so với số ghi nhận năm 2022. Năm 2023 cũng ghi nhận phạm vi tiêm chủng cho trẻ em toàn cầu đình trệ, thêm 2,7 triệu trẻ chưa được chủng ngừa hoặc tiêm chủng không đủ liều so với trước năm 2019.

Trẻ nhỏ mắc sởi nhập viện điều trị tại TP HCM. Ảnh: Lê Phương
Tại Việt Nam, Bộ Y tế thống kê năm 2024 toàn quốc ghi nhận hơn 45.000 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó hơn 7.500 ca nhiễm và 16 trường hợp tử vong. Hầu hết ca nhiễm không tiêm, chưa tiêm đủ mũi, hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Trong năm 2025, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nguy cơ rất cao bùng phát dịch sởi, theo WHO.
"Bệnh sởi lây mạnh hơn cúm và Covid-19, mỗi bệnh nhân có thể lây cho 12-18 người không có miễn dịch. Hầu hết người chưa có miễn dịch sẽ nhiễm bệnh khi tiếp xúc virus", bác sĩ Chính nói, thêm rằng chuỗi lây truyền của virus sởi trong cộng đồng chỉ bị cắt đứt khi tỷ lệ bao phủ tiêm chủng đạt trên 95%.
Do đó, các cơ quan đầu ngành về y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ đến cơ sở y tế tiêm vaccine sởi. Hồi cuối tháng 1, Bộ Y tế đã có công văn đốc thúc các tỉnh, thành tiêm ngừa sởi cho trẻ em, tiếp tục nhắc lại hôm 8/2. Người lớn cũng được khuyến cáo chủng ngừa, do có thể gặp biến chứng và là nguồn lây bệnh. Tiêm đầy đủ hai mũi vaccine hiệu quả đến 98%.
Việt Nam đang sử dụng bốn loại vaccine sởi gồm mũi đơn MVVAC, mũi phối hợp phòng sởi - rubella MRVAC của Việt Nam, mũi phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella MMR II của Mỹ và mũi phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella Priorix của Bỉ tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử tiêm chủng trước đó cần tiêm đủ ít nhất hai mũi vaccine, phác đồ cách nhau một tháng.
Theo bác sĩ Chính, bên cạnh chương trình Tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm chủng tại các địa phương, gần 220 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc đang triển khai vaccine phòng sởi cho trẻ em và người lớn. Tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ xảy ra dịch hoặc có các ca mắc sởi, VNVC triển khai tiêm vaccine sởi chống dịch cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi bên cạnh phác đồ cơ bản bắt đầu cho trẻ từ 9 tháng.
Mũi sởi tiêm cho trẻ 6 đến dưới 9 tháng tuổi được tính là mũi sởi 0 - mũi chống dịch. Sau đó trẻ cần tiếp tục tiêm đầy đủ các mũi sởi trong lịch cơ bản và nhắc lại. Với tiêm chủng dịch vụ, khi đủ 9 tháng, trẻ sẽ tiếp tục lịch tiêm với mũi sởi đơn hoặc loại phối hợp sởi - quai bị - rubella lúc 9 tháng; tiêm tiếp mũi 2 lúc 12 tháng tuổi, khuyến cáo nhắc lại vào 4-6 tuổi.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cách phòng sởi là chủng ngừa cho phụ nữ trước khi mang thai. Người mẹ sẽ truyền kháng thể cho thai nhi, giúp bé chống lại mầm bệnh trong những tháng đầu đời. Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ tiêm vaccine sởi trước khi có kế hoạch mang thai ba tháng.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có thể bùng phát thành dịch. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc khi tiếp xúc với các nguồn chứa mầm bệnh như dịch tiết người bệnh, mặt bàn, vòi nước, tay nắm cửa chứa virus...

Trẻ nhỏ tiêm vaccine tại VNVC Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Diệu Thuần
Bệnh xuất hiện quanh năm, thường xảy ra dịch vào những tháng mùa đông - xuân. Trẻ mắc sởi dễ mắc các căn bệnh kèm theo như viêm loét giác mạc, viêm phổi, tiêu chảy, có thể trở nặng hoặc tử vong do bệnh.
Để phòng sởi, bên cạnh vaccine, Bộ Y tế khuyến cáo gia đình không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với người nghi mắc sởi. Người lớn thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, giữ vệ sinh thân thể, mũi họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày.
Gia đình đảm bảo nơi ở sạch sẽ, thông thoáng. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần sạch sẽ, thông thoáng, khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập, phòng học... Trẻ cần có chế độ ăn đa dạng, đảm bảo đủ dinh dưỡng, vận động thường xuyên nhằm tăng cường thể trạng.
Gia đình, thầy cô cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban. Người lớn có các dấu hiệu trên cũng cần thăm khám ngay để được điều trị đúng cách. Người bệnh không tự điều trị tại nhà hoặc vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Linh San