Phát kiến về vaccine quai bị hiện đại đã trở thành huyền thoại trong các sách giáo khoa y học. Vào năm 1963, một nhà sáng chế tại công ty dược phẩm Merck (Mỹ) đã dùng tăm bông lấy dịch cổ họng con gái ông để nuôi cấy dạng virus quai bị suy yếu. Bốn năm sau, Mumpsvax trở thành loại vaccine hiệu quả đầu tiên trên thế giới chống lại căn bệnh phổ biến và dễ lây lan này.
Những năm 1940-1950, các nhà nghiên cứu tìm kiếm vaccine sởi và bại liệt đã tạo ra bước đột phá về công nghệ. Kết quả là những nghiên cứu sau này, trong đó có vaccine quai bị, được hưởng lợi và kế thừa thành quả của người đi trước, từ đó tạo tiền đề cho vaccine Mumpsvax phát triển nhanh trong thời gian kỷ lục vào những năm 1960.
Câu chuyện của "Jeryl Lynn"
1h sáng ngày 21/3/1963, bé gái năm tuổi ở Philadelphia đánh thức cha dậy vì cổ họng đau rát. Maurice Hilleman, lúc bấy giờ là bác sĩ đang làm việc tại công ty dược phẩm Merck, ngay lập tức chẩn đoán con gái mắc quai bị. Đây được xem là căn bệnh vô hại với trẻ con nhưng không có cách điều trị. Vị bác sĩ nhanh chóng đưa con gái trở về giường.
Tuy nhiên, bản thân Hilleman thì không thể ru mình vào giấc ngủ bởi một ý tưởng đã xuất hiện trong đầu. Ông nhớ có một phòng thí nghiệm vừa được cấp phép thực hiện vaccine sởi dựa trên kỹ thuật mới để phát triển các dạng virus sống suy yếu trong phôi gà. Bác sĩ nghĩ thầm mình cũng có thể làm điều tương tự với bệnh quai bị. Hilleman vội đến công ty để lấy mẫu vật tư, trở về nhà và ngoáy cổ họng để lấy dịch tễ từ con gái. Tiếp đến, ông đưa virus đi nuôi cấy trở lại trong phòng thí nghiệm. Kết quả thì như các sách y khoa đều đã nhắc đến.
Vaccine quai bị mà Hilleman phát triển vào năm 1967 từ nguồn cảm hứng nửa đêm ngày ấy đến nay vẫn còn được sử dụng như một phần của vaccine phối hợp sởi, quai bị và rubella mà trẻ sơ sinh trên khắp thế giới thường tiêm phòng. Chỉ riêng ở Mỹ có khoảng 186.000 trẻ em nhiễm quai bị mỗi năm vào thập niên 1960. Nhờ có vaccine mà con số này ngày nay chỉ ít hơn 1.000 ca mỗi năm.
Một trong những điều thú vị về vaccine quai bị của Hilleman còn là việc ông đặt cho chủng virus quai bị được sử dụng để chế tạo vaccine theo tên cô con gái năm tuổi ngày nào là Jeryl Lynn. Ngày nay, chủng virus Jeryl Lynn vẫn còn được sử dụng trong sản xuất vaccine.
Quai bị là mối đe dọa an ninh quốc gia trong thế chiến thứ hai
Từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, quân đội Mỹ đã xác định quai bị là vấn đề thực sự nghiêm trọng. Nhà sử học Elena Conis, tác giả cuốn sách Vaccine Nation: America’s Changing Relationship with Immunization, cho biết quai bị gây suy nhược nhiều nhất ở nam giới trưởng thành lúc bấy giờ.
"Khi quân đội Mỹ tập trung đông trong các doanh trại, nếu có một trường hợp mắc quai bị thì đồng nghĩa phải đưa cả trại vào bệnh xá trong vài tuần liền", bà chia sẻ.
Trong thế chiến thứ nhất, quai bị là nguyên nhân hàng đầu khiến quân đội Mỹ bỏ lỡ những ngày quân dịch tại Pháp với tổng số ca mắc bệnh lên đến 230.356. Đến chiến tranh thế giới thứ hai, mối đe dọa từ bệnh quai bị và cả sởi đã nghiêm trọng đến mức Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển Khoa học quân đội xem đây là vấn đề an ninh quốc gia.
Đột phá từ những nghiên cứu
Một trong những trở ngại chính cho việc chế tạo vaccine là phát triển một lượng lớn virus mục tiêu. Năm 1945, hai nhóm nghiên cứu của Mỹ đồng thời phát hiện virus quai bị có thể được phát triển trong trứng gà, cụ thể là phôi trứng đã được thụ tinh.
Năm 1946, nhà nghiên cứu Karl Habel tại Sở Y tế Mỹ đã sản xuất vaccine thử nghiệm phòng ngừa quai bị đầu tiên. Vaccine của Habel thuộc dạng "bất hoạt", nghĩa là không chứa virus quai bị sống mà chỉ có chủng chết, đã được thử nghiệm với 2.825 công nhân tây Ấn Độ tại một đồn điền mía ở Florida - nơi quai bị hoành hành nghiêm trọng vào thời điểm ấy. Kết quả cho thấy có hiệu quả 58% chống lại virus. Điều này đồng nghĩa vaccine quai bị đầu tiên đã cho kết quả tích cực. Tuy nhiên, bấy giờ cũng là lúc thế chiến thứ hai đã kết thúc, việc tìm kiếm phương pháp chữa trị quai bị không còn mang tính khẩn cấp nữa.
Nhà sử học Conis cho biết vào những năm 1940, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã không nhận ra quai bị là mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe với trẻ em. "Sau khi chiến tranh kết thúc, những căn bệnh như viêm phổi và cúm chiếm phần lớn sự chú ý. Các phụ huynh không thích con em mắc quai bị nhưng lại xem căn bệnh này là một phần không mong muốn trong đời sống của một đứa trẻ", bà giải thích.
Khoa học nâng cao cuộc chiến chống lại bại liệt và sởi
Năm 1954, nhà nghiên cứu John Enders nhận giải Nobel cho công trình nuôi cấy virus gây bệnh bại liệt, từ đó dẫn đến sự phát triển vaccine đã được thế giới chờ đợi từ rất lâu. Cùng với Habel, Enders được công nhận là người đã khám phá ra kỹ thuật tạo phôi trứng gà để nuôi cấy virus. Cũng như Habel, lần thử nghiệm đầu tiên của Enders là với virus quai bị trước khi chuyển sang bại liệt và tiếp đến là sởi.
Không ai phủ nhận vaccine bại liệt là một công trình thay đổi nhiều mặt. Tuy nhiên, thực tế quá trình này cũng phát triển dựa trên một loại virus bất hoạt hoặc đã chết. Để phát triển vaccine phòng bệnh sởi, Enders nhận ra nếu truyền đi truyền lại cùng một loại virus qua phôi gà thì nó sẽ yếu dần theo thời gian. Kết quả là ông nghĩ ra loại virus "giảm độc lực". Cụ thể là sinh vật phải đủ yếu để gây nhiễm trùng toàn phát ở người nhưng cũng đủ mạnh để kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Theo nhà sử học Conis, việc phát triển vaccine bại liệt vào những năm 1950 đã giúp nâng cao các kỹ thuật giúp phát triển vaccine sởi và sau đó là hiện thực hóa vaccine quai bị trong một thập kỷ sau đó. "Hilleman không bao giờ có thể phát triển vaccine quai bị nếu không có các kỹ thuật nuôi cấy mà Enders đã nghĩa ra", bà nhận định.
Vaccine quai bị kết hợp cùng vaccine ngừa sởi, rubella
Hilleman xứng đáng nhận được sự tán thưởng từ cộng đồng y khoa với công trình nghiên cứu vaccine trong cả cuộc đời đầy hoài bão của mình. Ông không chỉ phát triển vaccine quai bị đạt hiệu quả bằng cách sử dụng virus sống giảm độc lực mà còn cải tiến vaccine sởi của Enders. Tất cả đã trở thành tiền đề cho quá trình chế tạo vaccine rubella, viêm gan B và một dạng virus ung thư gan.
Tuy nhiên, theo nhà sử học Conis, khi vaccine Mumpsvax được cấp phép vào năm 1967, không có thị trường nào dành cho nó. Mọi người lúc đó xem quai bị chỉ như một căn bệnh phiền phức với triệu chứng là các phần sưng trên mặt. Một số bác sĩ nhi khoa cảm thấy cách tốt nhất là nên cho trẻ tiếp xúc với bệnh quai bị và từ đó phát triển khả năng miễn dịch một cách tự nhiên.
Công trình của Hilleman có thể sẽ không hiệu quả nếu công ty dược phẩm Merck không kết hợp nó với các loại vaccine chủng ngừa các bệnh nghiêm trọng khác ở trẻ em như sởi và rubella. Năm 1971, vaccine kết hợp MMR được cấp phép và nhanh chóng được cung ứng trên thị trường. Với mức giá phải chăng, vaccine đã tiếp cận nhiều nhóm người khác nhau trên thế giới, giúp trẻ em khắp nơi chống lại nhiều căn bệnh chỉ trong một gói tiêm phòng.
Kết quả là vào năm 1974, 40% trẻ em Mỹ đã được chủng ngừa quai bị như một phần của vaccine MMR. Đến năm 1977, Ủy ban Cố vấn của CDC về Thực hành Tiêm chủng đã quyết định dù quai bị là bệnh không quá ưu tiên nhưng việc đưa vaccine phòng bệnh này vào MMR giúp chủng ngừa cho tất cả trẻ em dưới 12 tháng tuổi.
Khi CDC khuyến nghị phác đồ hai liều vào năm 1998, các ca bệnh quai bị ở trẻ em Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 400 ca mỗi năm.
Trương Sanh (theo History)