Trả lời:
Theo Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan) năm 2020, ung thư tuyến giáp là một trong 10 loại ung thư phổ biến ở Việt Nam, với khoảng 5.470 ca mắc mới mỗi năm.
Ung thư tuyến giáp phổ biến nhất trong các loại ung thư hệ nội tiết. Tuyến giáp, nằm ở vùng cổ, trước khí quản, gồm hai thùy phải và trái nối với nhau bởi eo giáp. Cơ quan này tiết hormone giáp, đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa của cơ thể.
Ung thư tuyến giáp khởi đầu từ sự phát triển bất thường của các tế bào ác tính trong tuyến giáp. Về mặt mô bệnh học, ung thư tuyến giáp được chia thành 4 loại. Ung thư biểu mô thể biệt hóa (ung thư tuyến giáp thể nang, ung thư tuyến giáp thể nhú, thể oncocytic) phổ biến nhất, kế đến là ung thư tuyến giáp thể tủy và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa, các loại mô bệnh học khác như u lympho tuyến giáp, sarcoma tuyến giáp... ít gặp.
Ung thư tuyến giáp dạng nhú khá phổ biến, thường tình cờ phát hiện đơn lẻ, không liên quan yếu tố gia đình. Tuy nhiên, nếu người thân mắc ung thư tuyến giáp dạng nhú, nguy cơ ung thư giáp của bạn cao gấp 5-10 lần so với người bình thường và có xu hướng mắc các dạng ung thư tuyến giáp thể nặng hơn.

Tuyến giáp có khối u ác tính có thể gây sưng, đau ở cổ. Ảnh minh họa: Freepik
Ung thư tuyến giáp không lây qua đường tiếp xúc gần như ôm, hôn, quan hệ tình dục, sinh hoạt chung với người bệnh. Hệ miễn dịch có thể nhận diện và tấn công các tế bào lạ, kể cả tế bào ung thư từ người khác. Do đó, tế bào ung thư từ người bệnh không thể sống trong cơ thể của một người khỏe mạnh khác.
Ung thư và các bệnh lý về tuyến giáp xảy ra ở phụ nữ cao gấp 4 lần nam giới. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 30-50, so với nam giới độ tuổi 50-70.
Gần đây, với các thiết bị hỗ trợ hiện đại và chương trình tầm soát bệnh tuyến giáp nâng cao ở các cơ sở y tế, tỷ lệ người trẻ gồm nam và nữ dưới 40 tuổi mắc ung thư tuyến giáp ngày càng được phát hiện nhiều hơn và can thiệp điều trị phù hợp.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như tiếp xúc với tia bức xạ, tiền sử xạ trị vùng đầu cổ, thừa cân hoặc béo phì, chế độ ăn thiếu hoặc thừa iốt (hàm lượng iốt thấp làm tăng nguy cơ mắc ung thư giáp dạng nang, trong khi ăn nhiều iốt có thể tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp thể nhú).
Nếu trong gia đình có tiền sử người thân mắc ung thư tuyến giáp hoặc ung thư vùng đầu, cổ, bạn cần chú ý theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ vì nguy cơ ung thư tuyến giáp của bạn cao hơn người cùng độ tuổi. Bạn cũng nên tránh các yếu tố có hại cho tuyến giáp như hút thuốc, uống rượu và ăn quá nhiều iốt, tránh môi trường phơi xạ quá nhiều.
Khi khám sàng lọc ung thư tuyến giáp, bác sĩ khám lâm sàng, hỏi các yếu tố nguy cơ và tiền sử gia đình. Kiểm tra bằng siêu âm tuyến giáp bằng máy chuyên dụng, đánh giá vị trí, kích thước khối u, mức độ xâm lấn của khối u, khảo sát hạch cổ di căn, từ đó lên kế hoạch điều trị phù hợp với từng người bệnh.
Một số phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp như kỹ thuật đốt sóng cao tần nhân giáp lành tính, phẫu thuật các bệnh tuyến giáp khó như ung thư giáp kèm vét hạch cổ di căn, bướu giáp thòng trung thất (ở lồng ngực), bệnh basedow (một bệnh nội tiết).
BS.CKI Trần Quốc Hoài
Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |