Sau hai lượt đầu vòng bảng, ở tuyển Mỹ chỉ có huấn luyện viên Vlatko Andonovski là bày tỏ sự hài lòng với trận hòa trước Hà Lan. Tất cả các cầu thủ có phát biểu đều nhăn nhó, ngôi sao Alex Morgan nói thẳng là chúng tôi không hài lòng, bây giờ thì lại phải tranh ngôi đầu bảng rồi.
Ở bảng E, chỉ có Việt Nam là số phận đã an bài. Mỹ cần hòa hay thắng Bồ Đào Nha để vào vòng trong. Hà Lan cũng vậy, cần hòa hay thắng Việt Nam để vào vòng trong.
Còn để tranh ngôi đầu thì Mỹ và Hà Lan đều cần thắng ở lượt cuối và với một tỷ số đậm đà để tranh hiệu số bàn thắng bại. Mỹ tất nhiên là gặp nhiều khó khăn hơn Hà Lan, khi phải gặp Bồ Đào Nha.
Bồ Đào Nha cần thắng để vào vòng trong, vì vậy họ sẽ sống chết với Mỹ. Việt Nam thì không còn mục tiêu để phấn đấu, ngoài một mơ ước là ghi được một bàn thắng. Hà Lan sẽ không để điều đó xảy ra, nguyên nhân thì như trên.
Đây là tình cảnh đáng sợ hãi mà nhiều người ủng hộ Mỹ đã nghĩ ra ngay từ khi bốc thăm xong. Mức độ ngán ngẩm tăng theo từng trận đấu, khi Mỹ chỉ thắng có 3-0 trước Việt Nam, rồi hòa Hà Lan khi bị dẫn trước.
Mỹ đã thắng liên tiếp 13 trận ở World Cup trước trận đấu gặp Hà Lan. Tệ hơn nữa, lần cuối cùng Mỹ bị dẫn trước trong một trận World Cup đã là trận đầu tiên ở vòng bảng 2011.
Khi nói về các khả năng vòng bảng sẽ kết thúc thế nào, báo chí Mỹ tung ra những bình luận mỉa mai, như là "Mỹ có thể cần sự giúp đỡ của Việt Nam". Việt Nam hạn chế được bàn thua thì đỡ cho Mỹ. Còn Việt Nam mà thủng lưới quá nhiều thì Mỹ coi như chấp nhận vị trí số hai, cho dù họ có thắng Bồ Đào Nha.
Vị trí số hai của bảng E là vị trí tử thần với với Mỹ. Họ sẽ phải gặp Thụy Điển, đội cầm chắc ngôi đầu bảng G trước lượt đấu cuối. Cái sự kỵ rơ của Mỹ trước Thụy Điển là một lời nguyền khó giải, tới nỗi báo chí Mỹ gần như không dám nói tới.
Họ rên rỉ về việc sẽ rơi vào nhánh đấu khó khăn nếu về hai, thậm chí chỉ ra những tên tuổi lớn sẽ lọt vào nhánh này, nhưng chả ai dám mở miệng để nhắc tên Thụy Điển.
Từ năm 2011 tới giờ, Mỹ gặp Thụy Điển 5 lần ở World Cup và Olympic. Thụy Điển thắng 3, hòa 1 và Mỹ thắng 1. Chiến thắng của Mỹ là ở vòng bảng năm 2019, khi mọi sự đã an bài và Thụy Điển dùng đội hình hai. Còn lại thì Mỹ thua te tua, thua theo những cách không ai lý giải nổi.
Trước giải, khi nhìn đội tuyển Việt Nam, ai cũng nghĩ về kỷ lục Thái Lan. Còn bây giờ, khi nhìn đội tuyển Việt Nam, người ta lại thấy nhân tố quyết định vận mệnh của nhà đương kim vô địch và đương kim á quân.
Mặc dù đã nhìn thấy khả năng này từ lâu, tôi vẫn không thể tin nổi khi mình phải thốt lên dòng này:
Vì tuyển Mỹ, mong các chị tuyển thủ Việt Nam cố lên!
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.