-
17h10
Tâm bão đang ở đất liền Ninh Bình - Thanh Hóa
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết trong 3 giờ qua bão Wipha ít di chuyển. Lúc 16h, vị trí tâm bão trên đất liền các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hoá, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão 74 km/h, cấp 8, giật cấp 10 và đang theo hướng tây với tốc độ 10-15 km/h.
-
17h00
Mưa lớn ở Thanh Hóa tiếp diễn sang ngày mai
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cảnh báo mưa ở Thanh Hoá và Nghệ An tiếp diễn tới mai do tác động của hoàn lưu bão và dải hội tụ nhiệt đới. Vùng núi hai tỉnh này có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao ngay cả khi mưa tạnh, bão suy yếu thành vùng áp thấp ở Thượng Lào do có nhiều sông suối từ Lào chảy sang.
Lúc 17h ngày 22/7, TP Thanh Hoá vẫn mưa lớn kèm gió cấp 4-5, rít từng hồi. "Mái tôn đang rung bần bật lẫn tiếng gió thổi qua các hàng cây, bạt che nắng kêu rào rào", chị Nguyễn Thị Cúc, phường Hạc Thành, nói.
Trên các tuyến phố nội đô như Lê Lợi, Tô Vĩnh Diện, Võ Nguyên Giáp, Dương Đình Nghệ... ngập sâu khiến nhiều xe máy, ôtô chết máy phải nhờ cứu hộ trợ giúp. Một số cổ thụ ven đường bật gốc, gãy đổ khiến giao thông đi lại khó khăn. Cảnh sát đang cử lực lượng cắt cành, di chuyển để phương tiện lưu thông trở lại.
Một chiếc xe chết máy được cảnh sát hỗ trợ di chuyển qua vùng ngập ở đại lộ Lê Lợi, phường Hạc Thành. Ảnh: Lam Sơn
Cảnh sát PCCC và lực lượng cứu hộ, cứu nạn Thanh Hóa cắt cây xà cừ lớn đổ chắn ngang đại lộ Nguyễn Hoàng, phường Hạc Thành. Ảnh: Lam Sơn
Cắt cây đổ trên đường. Ảnh: Lam Sơn
-
16h10
Hải Phòng xuất hiện úng ngập sau mưa lớn
Tại khu vực cầu Khuể, nước sông tràn lên gây ngập tỉnh lộ 354. Trạm cảnh sát giao thông Quang Trung đang hạn chế các phương tiện qua cầu và cùng người dân đắp đất bảo đảm an toàn. Trong khu vực nội thành, nhiều tuyến đường như Nguyễn Tri Phương, Cù Chính Lan, Tam Bạc cũng ngập do nước sông dâng cao.
Nước sông dâng lên tỉnh lộ ở cầu Khuể. Ảnh: Lê Tân
Một bé trai bơi lội trong dòng nước ngập tại khu vực ven sông Tam Bạc. Ảnh: Lê Tân
Một xe cứu hộ phương tiện cũng bị chết máy trên đường Tam Bạc do nước ngập sâu. Ảnh: Lê Tân
Đường Tam Bạc, gầm cầu Lạc Long, ngập sâu 50 cm. Ảnh: Lê Tân
-
16h00
Tâm mưa dịch chuyển dần sang Nghệ An
Trong đêm qua và ngày hôm nay (22/7), đồng bằng Bắc Bộ mưa lớn, riêng khu vực Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An mưa lớn.
Lượng mưa tính từ 19h hôm qua đến 15h ngày 22/7 có nơi trên 250 mm như: trạm Đồng Giao (Ninh Bình) 253 mm, trạm Sầm Sơn (Thanh Hóa) 398 mm, trạm Như Xuân (Thanh Hóa) 374 mm, trạm Châu Nga (Nghệ An) 316 mm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cũng cho biết, vùng mưa lớn đang mở rộng xuống Nghệ An. Tại Thanh Hóa: phần phía tây của tỉnh này đang giảm mưa; phần phía Nam vẫn đang có mưa vừa đến mưa to. Từ chiều tối 22/7 đến sáng mai, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Phía Nam Phú Thọ và Sơn La có mưa phổ biến 40-100 mm, cục bộ có nơi trên 200 mm.
Ảnh vệ tinh vùng mưa đang di chuyển xuống Nghệ An. Ảnh: Cục Khí tượng thuỷ văn
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cảnh báo mưa ở Thanh Hoá và Nghệ An sẽ tiếp diễn sang ngày mai do tác động của hoàn lưu bão và dải hội tụ nhiệt đới. Ông Khiêm lưu ý, vùng núi hai tỉnh này ngay cả khi mưa tạnh, bão suy yếu thành vùng áp thấp ở Thượng Lào thì nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét vẫn cao do có nhiều sông suối bắt nguồn từ Lào chảy sang.
Sầm Sơn, Thanh Hóa, mưa lớn khi Wipha đổ bộ. Video: Huy Mạnh - Lê Hoàng
-
15h45
Mây đen kéo về Hà Nội
Chiều 22/7, dù đã có cảnh báo giông lốc vào cuối ngày, bầu trời Hà Nội vẫn biến đổi khác thường. Sau trận mưa rào buổi trưa, trời hửng nắng trong chốc lát, nhưng chỉ khoảng 15 phút sau, mây đen dày đặc đã kéo đến vần vũ.
Bầu trời Thủ đô tại khu vực phường Cầu Giấy lúc 15h10. Ảnh: Ngọc Thành
Cơ quan khí tượng cảnh báo Hà Nội có thể xuất hiện giông lốc vào cuối giờ chiều. Ảnh: Ngọc Thành
Một góc Thủ đô chiều 22/7. Video: Ngọc Thành
-
15h00
46 nhà tốc mái ở Quảng Trị
Dù nằm xa tâm bão Wipha, nhưng từng sáng đến trưa 22/7, tại xã biên giới La Lay xuất hiện gió cấp 8-9, giật cấp 10, khiến 33 ngôi nhà tốc mái, phần lớn là của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới. Mái nhà, tường và mái hiên bị hư hỏng 30-90%.
Ông Lê Quang Thạch, Chủ tịch xã cho biết chính quyền xã cùng Bộ đội Biên phòng đang tiến hành khắc phục. "Những gia đình bị hư hỏng nặng được lực lượng chức năng di dời vật dụng và tài sản đến nơi ở mới an toàn, nhà hư hỏng nhẹ triển khai phương án sửa chữa", ông Thạch nói.
Nhà của người dân La Hay bị tốc mái. Ảnh: Bảo Anh
Tại xã Khe Sanh, gió lốc đã làm 12 nhà dân bị tốc mái. Mưa lớn gây sạt lở đường Hùng Vương, thuộc Khối 7, khoảng 15 m3 đất đá tràn ra mặt đường khoảng 1 m, gây ách tắc giao thông. Ảnh hưởng của bão khiến nhà của gia đình ông Hồ Văn Chiến ở thôn Hồ, xã Hướng Phùng bị sập hoàn toàn. Xã Thượng Trạch có mưa lớn từ đêm qua đến trưa nay khiến kè taluy âm vào đường ở bản 61 bị sạt lở khoảng 50 m.
Kè taluy âm đường vào bản 61, xã Thượng Trạch bị sạt lỡ khoảng 50m (thuộc địa bàn xã Thượng Trạch). Ảnh: Minh Trung
-
14h45
Sạt lở đất ở Mường Lát, Thanh Hóa
Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết tại km 77 quốc lộ 15c, thuộc xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, xảy ra sạt lở đất, các phương tiện bị cấm lưu thông. Đơn vị quản lý đường đã đưa máy móc đến hiện trường song chưa xử lý được do đất vẫn tiếp tục sạt lở.
Đất đá rơi xuống quốc lộ 15C. Video: Sở Xây dựng Thanh Hóa
-
14h40
Huy động 300 người vá đê sạt lở
Đê sông Cung đoạn chảy qua xã Hoằng Châu, tỉnh Thanh Hóa, bị sạt lở một đoạn dài 65 m phía nội đồng do mưa lớn. Chính quyền địa phương đã khẩn cấp huy động hơn 300 người, gồm công an, dân quân tự vệ, cán bộ xã và người dân tập trung vá đê suốt nhiều giờ. Khoảng 1.000 cọc tre, 1.000 bao tải đất đá và nhiều vật dụng khác như lưới B40, bạt chống thấm được dùng để gia cố vị trí sạt lở.
Người dân và lực lượng chức năng vá đê sông Cung. Ảnh: Lam Sơn
Ông Chu Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Hoằng Châu, cho hay hiện sự cố đã được khắc phục. Cơ quan chức năng đã lên phương án sẵn sàng sơ tán dân nếu đê gặp sự cố, đồng thời cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, cắt cử người túc trực 24/24.
Tuyến đê sông Cung kéo dài hàng chục km, nối từ lạch Sung đến lạch Trào, bảo vệ an toàn cho hàng chục nghìn dân các xã ven biển Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Châu.
-
14h20
Nước sông suối dâng cao, sơ tán hàng nghìn người dân
14h tại Thanh Hóa mưa vẫn rất to, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước hạ lưu sông Mã, sông Chu, sông Bưởi lên nhanh. Nhiều khu dân cư vùng trũng thấp đồng bằng, ven biển ngập cục bộ.
Chính quyền các xã miền núi, biên giới như Na Mèo, Pù Nhi, Mường Lý, Tam Chung... đang di dời hàng nghìn người dân ở nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét đến nơi an toàn. Bộ đội biên phòng dựng tạm một số lều lán ở vị trí ít chịu ảnh hưởng lũ lụt cho người dân trú ngụ.Chính quyền và người dân xã Na Mèo dựng lều lán để sơ tán các gia đình trong vùng nguy cơ sạt lở. Ảnh: Lam Sơn
Thanh Hóa ghi nhận 20 xã, phường với gần 41.000 hộ và hơn 169.000 nhân khẩu đang sinh sống khu vực ven biển và cửa sông cần phải sơ tán khi có bão và lụt lớn. Chính quyền địa phương đã chuẩn bị kế hoạch, sẵn sàng sơ tán dân khi có tình huống xảy ra.
Một khu đô thị ở phường Hạc Thành ngập sâu, chiều 22/7. Ảnh: Lê Hoàng
Nước sông Mã đoạn qua cầu Hàm Rồng dâng cao đầu giờ chiều 22/7. Ảnh: Lê Hoàng
Nhiều tuyến đường ở Thanh Hóa ngập sâu. Video: Huy Mạnh
-
13h45
Cảnh báo Hà Nội có giông trong 4 giờ tới
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết Wipha đang trên đất liền Hưng Yên - Ninh Bình và vẫn giữ cường độ cấp 8, chưa có dấu hiệu tan ngay.
Ảnh vệ tinh hoàn lưu bão tại Hà Nội. Ảnh: Cục Khí tượng thuỷ văn
Lúc 13h30 qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh radar thời tiết cho thấy vùng mây ở phía bắc hoàn lưu bão vẫn tồn tại trên các phường xã tại Hà Nội, như Yên Bài, Đoài Phương, Phúc Thọ, Ba Vì, Ô Diên..., các phường Phú Thượng, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, Nghĩa Đô... Vùng mây này có xu hướng dịch chuyển theo cơn bão.
Trong 4 giờ tới, các phường nội thành Hà Nội kể trên có mưa, mưa rào và có thể giông. Vùng mưa giông có thể mở rộng sang các phường khác thuộc nội thành. Trong cơn mưa khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.