Wipha - cơn bão thứ ba trong năm - dù không mạnh bằng bão Yagi năm 2024, nhưng di chuyển chậm và tồn tại lâu trên đất liền.
Sóng biển cao 5m khi bão đổ bộ ở Hải Tiến, Ninh Bình. Video: Anh Phú
Thời tiết trái ngược trước khi bão vào
Lúc 7h ngày 22/7, bão Wipha áp sát vùng biển Hải Phòng - Ninh Bình, gió mạnh nhất 88 km/h, di chuyển tây tây nam với tốc độ 15 km/h. Khi đó, nhiều nơi như Cầu Rào (Hải Phòng) vẫn hửng nắng, trời mưa nhỏ, gió nhẹ, nhiệt độ khoảng 28 độ C. Cách đó gần 100 km, bãi biển Đồng Châu (Thái Bình) vắng lặng, tàu thuyền đã vào nơi trú tránh.

Bãi biển Đồng Châu (Hưng Yên) trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Vân Long
Hà Nội sáng cùng ngày cũng yên ắng hơn thường lệ. Đường phố vắng xe, nhiều cơ quan cho nhân viên làm việc từ xa. "Người dân Thủ đô có lẽ đã cảnh giác hơn sau nhiều trận giông lốc bất thường và chứng kiến sức tàn phá của bão Yagi năm ngoái", chị Thùy Giang, một nhân viên văn phòng, nhận xét.
Dù toàn miền Bắc nằm trong vùng ảnh hưởng, thời tiết phân hóa rõ rệt. Hà Nội, Hải Phòng vẫn có nắng nhẹ; trong khi Ninh Bình, Thanh Hóa bắt đầu có mưa lớn. Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết không phải toàn bộ vùng mây đều gây mưa. Trong dải mây xoáy quanh tâm bão, có nơi mưa rất to kèm giông sét, gió mạnh; có nơi mưa nhỏ, trời nhiều mây hoặc thậm chí hửng nắng. Cùng một hệ thống mây, tại cùng thời điểm vẫn có thể xảy ra các điều kiện thời tiết khác nhau, vì hệ thống này luôn biến động và di chuyển liên tục.

Lưu lượng xe qua hầm Kim Liên (Hà Nội) sáng nay thưa thớt. Ảnh: Giang Huy
10h bão đổ bộ, ven biển hứng sóng lớn, mưa ngập nhiều nơi
Đến 9h, tâm bão áp sát Hưng Yên, cách Ninh Bình 25 km về phía đông bắc. Một giờ sau, lúc 10h, Wipha chính thức đổ bộ vào khu vực ven biển giữa Hưng Yên và Ninh Bình, sức gió mạnh nhất vẫn giữ ở cấp 8-9 (88 km/h), giật cấp 11.
Tại xã Hải Tiến (Ninh Bình), nhiều người dân chạy xe ra bờ biển xem sóng khi trời còn mưa nhỏ. Lực lượng chức năng lập tức yêu cầu rời khỏi khu vực nguy hiểm. Chỉ một giờ sau, sóng táp mạnh vào chân Nhà thờ đổ, tạo cột nước cao tới 5 m.

Đường phố Thanh Hóa khi bão đổ bộ. Ảnh: Lê Hoàng
Tại khu du lịch Hải Tiến (Thanh Hóa), mưa lớn, sóng mạnh buộc sơ tán khẩn cấp du khách vào các khách sạn sâu trong đất liền. Nhiều tuyến phố như đại lộ Lê Lợi, Phan Châu Trinh, đường Hồ Xuân Hương ngập sâu 30-40 cm, xe cộ đi lại khó khăn, một số cây xanh bị quật đổ.
Từ 16h ngày 21 đến 10h ngày 22/7, ba điểm ở Thanh Hóa ghi nhận lượng mưa rất lớn: Xuân Khánh 229 mm, Triệu Sơn 218 mm, Thạch Quảng 203 mm. Đất bão hòa nước, mưa chưa dứt, nguy cơ lũ quét và sạt lở tiếp tục gia tăng.
Mưa ngập tại phường Sầm Sơn, Thanh Hóa, sáng 22/7. Video: Huy Mạnh - Lê Hoàng
Bão đứng yên nhiều giờ, tâm mưa dồn về phía tây
Lúc 11h, tâm bão nằm trên đất liền Hưng Yên - Ninh Bình, gió giảm còn 74 km/h (cấp 8), giật cấp 10. Suốt ba giờ sau đó, Wipha gần như không di chuyển, tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng. Đến 16h, tâm bão vẫn nằm giữa Ninh Bình - Thanh Hóa. Vùng mưa lan dần xuống Nghệ An.

Cột sóng táp vào dưới chân Nhà thờ đổ (Ninh Bình) khi bão đổ bộ. Ảnh: Phạm Chiểu
Tại xã Hoằng Tiến (Thanh Hóa), mưa gió kéo dài khiến người dân không dám ra khỏi nhà vì lo sợ lều bạt, mái tôn bị cuốn bay. Trong khi đó, nhiều xã miền núi Nghệ An mưa lớn gây ngập sâu, chia cắt cục bộ. Trên quốc lộ 16, đoạn qua xã Tri Lễ (Quế Phong cũ), mặt đường xuất hiện vết nứt dài hơn 10 m, nguy cơ sụt lún cao. Tại tỉnh lộ 543D, sáu cán bộ xã Mường Típ suýt bị đất đá sạt trúng khi đang kiểm tra hiện trường.
Bão Wipha cũng gây ngập sâu tại Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa; một tàu cá ở Quảng Ninh bị sóng đánh lật; hàng nghìn hecta lúa bị ngập; nhiều khu vực phải sơ tán dân do nước sông suối dâng cao.
Chiều 22/7, Hà Nội mây giông kéo đến dày đặc, sau thời điểm hửng nắng. Một số nơi có mưa rào, gió giật mạnh, kèm theo nguy cơ lốc và sét.

Mây giông kéo về Hà Nội chiều 22/7. Ảnh: Ngọc Thành
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cảnh báo mưa lớn ở Thanh Hóa, Nghệ An còn kéo dài đến hết ngày 23/7 do hoàn lưu bão kết hợp dải hội tụ nhiệt đới. Dù Wipha suy yếu thành vùng áp thấp trên Thượng Lào, vùng núi hai tỉnh này vẫn đối mặt nguy cơ cao lũ quét, sạt lở vì nhiều sông suối bắt nguồn từ Lào đang dâng nước.
Đến 19h25, sau 9 giờ đổ bộ khu vực Hưng Yên - Thanh Hóa, bão Wipha đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục gây mưa to cho Thanh Hóa, Nghệ An.
Từ đầu năm đến nay, Biển Đông có ba cơn bão, trong đó hai cơn ảnh hưởng đến Việt Nam. Từ nay đến tháng 10, dự báo còn 6-8 cơn bão nữa, trong đó 2-3 cơn có khả năng đổ bộ đất liền.
Xem diễn biến chính