BS.CKI Hoàng Đình Thành (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho hay bệnh gan mạn tính sẽ dẫn đến xơ hóa và xơ gan. Xơ gan có hai giai đoạn, giai đoạn đầu là còn bù, giai đoạn sau là mất bù. Xơ gan mất bù là sự tiến triển nặng của bệnh xơ gan. Xơ gan mất bù có nguy cơ gây tử vong cao, khoảng 20-50% tùy theo loại biến chứng.
Bác sĩ Thành nhấn mạnh, xơ gan mất bù là trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp, chăm sóc tích cực và đôi khi phải chuyển thẳng người bệnh đến giai đoạn ghép gan. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến một loạt các biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch (thực quản, dạ dày hoặc tá tràng; hiếm gặp do vỡ búi giãn ở ruột non) hoặc đại trực tràng; cổ trướng; viêm phúc mạc tự phát do vi khuẩn; bệnh não gan; nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, xơ gan thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Chỉ khi bệnh tiến triển đến xơ gan mất bù thì một số dấu hiệu điển hình mới xuất hiện như vàng da; mệt mỏi; sụt cân; dễ chảy máu và bầm tím; cổ trướng (bụng đầy hơi do tích tụ dịch); sưng chân do phù giữ nước. Lú lẫn, nói lắp hoặc buồn ngủ; buồn nôn; chán ăn; lòng bàn tay đỏ; tinh hoàn bị thu nhỏ; ngứa ngáy bất thường; giãn tĩnh mạch cũng là dấu hiệu để nhận biết bệnh. Khi có những triệu chứng này, người bệnh cần cấp cứu.
Xơ gan mất bù xảy ra khi sẹo ở cơ quan đã trở nên nghiêm trọng, gây cản trở đến hoạt động bình thường. Bất kỳ tổn thương nào xảy ra đối với gan đều có thể dẫn đến sẹo, cuối cùng chuyển dần sang xơ gan mất bù. Một số nguyên nhân điển hình phải kể đến bao gồm uống nhiều bia, rượu trong thời gian dài; viêm gan virus B hoặc viêm gan virus C mạn tính; tích tụ chất béo, sắt, đồng trong gan; ống dẫn mật hoạt động không bình thường; bệnh gan tự miễn; tổn thương đường mật hay tác dụng phụ của một số loại thuốc như Methotrexate.
![BS.CKI Hoàng Đình Thành đang thăm khám cho một trường hợp bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/12/28/HINH-BS-THAM-KHAM-5785-1672195918.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=q9rohsA1ind99OTlJNFz6Q)
BS.CKI Hoàng Đình Thành đang thăm khám cho một trường hợp bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán bệnh xơ gan mất bù được thực hiện khi các triệu chứng vàng da hoặc rối loạn tâm thần bắt đầu xuất hiện ở người bệnh. Bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi kiểm tra khi thăm khám như triệu chứng cụ thể, tiền sử bệnh gan trước đó, biến chứng của bệnh gan, nội soi trước đó, các triệu chứng nghiêm trọng (như nhiễm trùng, sốt, khó tiểu, khó thở, ho, đau hoặc sưng khớp, phát ban), thói quen đại tiện (phân đen...), có du lịch nước ngoài gần đây, triệu chứng đau bụng hoặc sưng bất thường, thói quen uống rượu, các loại thuốc đang dùng... Các xét nghiệm chẩn đoán cũng có thể được chỉ định thực hiện bao gồm xét nghiệm máu; chọc dịch ổ bụng hoặc nội soi thực quản dạ dày.
Bác sĩ Thành cho biết, về phương pháp điều trị, xơ gan mất bù là một rối loạn phức tạp ảnh hưởng đến nhiều hệ thống trong cơ thể, cần có cách tiếp cận để quản lý tối ưu ngay khi người bệnh nhập viện. Có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau, tuy nhiên ở giai đoạn muộn, ghép gan luôn là phương án được ưu tiên. Quá trình cấy ghép được thực hiện với một phần hoặc toàn bộ cơ quan từ người hiến tặng. Mô gan có thể tái tạo nên người bệnh có thể nhận gan từ người hiến còn sống. Sau đó, cả gan được cấy ghép và gan cho đi sẽ tái sinh trong vòng vài tháng.
Hằng ngày, bệnh nhân cần duy trì hoạt động cân đo để biết cơ thể có tình trạng giữ nước. Ngoài ra, các phương pháp điều trị còn hướng tới điều trị nguyên nhân cần dùng thuốc đặc hiệu viêm gan virus B, C, ngừng uống bia rượu...; điều trị triệu chứng bằng cách dùng thuốc lợi tiểu khi có phù hoặc cổ trướng; điều dự phòng xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch.
Trang Hoàng