Bệnh bạch cầu là loại ung thư máu thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên; gồm bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính và bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính. Theo bác sĩ Melissa Burns, Trung tâm Ung thư Dana Farber, Mỹ, khoảng 15% bệnh nhân mắc loại lymphocytic cấp tính sẽ tái phát, trong khi tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính tái phát là 30-50%.
Triệu chứng tái phát bệnh bạch cầu thường gồm đau nhức cơ thể không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, vẻ ngoài nhợt nhạt, bầm tím hoặc chảy máu quá nhiều, sưng hạch và khó thở.
Trẻ em cũng có thể cảm thấy đau ở các bộ phận khác trên cơ thể, tùy thuộc vào nơi tế bào ung thư lan rộng. Đau khớp là dấu hiệu cho thấy tế bào ung thư đã nhân lên bên trong khớp. Đau bụng cảnh báo tế bào ung thư ở thận, gan hoặc lá lách. Đau ngực và đau khi thở cho thấy tế bào ung thư bạch cầu ở tuyến ức, một cơ quan nhỏ phía sau xương ức.
Nhiều bệnh nhân cũng có thể sốt cao, đau lưng hoặc đi không vững. Ở một số người, bệnh bạch cầu tái phát có thể không có triệu chứng. Xét nghiệm máu có thể phát hiện tình trạng này.
Điều trị bệnh bạch cầu tái phát thường dùng hóa trị, có thể gồm các lựa chọn khác như liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp nhắm mục tiêu. Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị bệnh ung thư bằng cách kích thích hệ miễn dịch của cơ thể bệnh nhân để chống lại tế bào ung thư. Phương pháp nhắm mục tiêu là dùng thuốc nhằm vào đột biến gene cụ thể gây ra bệnh ung thư. Khi bệnh giảm, bệnh nhân có thể được thực hiện cấy ghép tế bào gốc tủy xương, tùy thuộc vào loại bệnh bạch cầu.
Tiên lượng phụ thuộc vào một số yếu tố gồm loại bệnh bạch cầu, thời điểm tái phát, vị trí tái phát (tủy xương, não hoặc dịch tủy sống, tinh hoàn), đột biến gene của bệnh bạch cầu, số lần tái phát, phản ứng của bệnh nhân với điều trị.
Dựa vào các yếu tố này, tỷ lệ chữa khỏi là khoảng 60%, còn lại là không thể chữa khỏi. Đối với những bệnh nhân có tiên lượng rất xấu, thường là do tái phát rất sớm hoặc tái phát nhiều lần.
Hiện có nhiều liệu pháp mới hứa hẹn như liệu pháp miễn dịch giúp tiên lượng người mắc bệnh bạch tái phát có thể tốt hơn. Liệu pháp miễn dịch đột phá được gọi là liệu pháp tế bào T thụ thể kháng nguyên chimeric (CAR) liên quan đến việc lấy tế bào T (một loại tế bào miễn dịch) từ máu của bệnh nhân, thay đổi chúng trong phòng thí nghiệm để chúng tấn công các tế bào ung thư, sau đó đưa chúng trở lại cơ thể bệnh nhân tiêu diệt ung thư.
Mai Cat (Theo Everyday Health)