Hai nguyên nhân chính dẫn đến trĩ trong thai kỳ là nhu động ruột hoạt động kém và sự phát triển của thai nhi. Sự thay đổi nội tiết tố, cụ thể là tăng nhanh nồng độ progesterone làm cho các thành mạch sưng lên, làm chậm quá trình nhu động ruột, gây ra táo bón. Lúc này, thai phụ rặn nhiều hơn khi đi tiêu và hình thành trĩ. Cùng với sự phát triển của thai nhi, mạch máu vùng chậu và hậu môn bị đè ép ngày càng nhiều, làm giãn nở mạch máu ở khu vực này, gây ra trĩ.
ThS.BS Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, trĩ trong thai kỳ có thể gây ra các vấn đề như đi tiêu ra máu, dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt mạn tính. Trường hợp trĩ làm tắc mạch sẽ xuất hiện những cơn đau dữ dội, tăng nguy cơ nhiễm trùng và hoại tử, nếu không điều trị kịp thời gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
![Trĩ thường xuất hiện ở ba tháng cuối của thai kỳ, gây mệt mỏi cho thai phụ. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/09/05/tri-khi-mang-thai-6480-1662343100.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7x8ZvfI3pGH4Es3zvg9j0g)
Trĩ thường xuất hiện ở ba tháng cuối của thai kỳ, gây mệt mỏi cho thai phụ. Ảnh: Shutterstock
Bác sĩ Hậu chia sẻ thêm, tùy vào từng mức độ trĩ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Những thai phụ mắc trĩ nhẹ có thể khắc phục tình trạng này bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt như tăng hàm lượng chất xơ và chất lỏng trong chế độ ăn uống, dùng thuốc làm mềm phân, tập luyện thói quen đi vệ sinh...
Đối với tình trạng trĩ cấp độ 2, 3, bên cạnh các các phương pháp sinh hoạt kể trên, thai phụ sẽ được kết hợp các phương pháp điều trị khác, bao gồm:
Dùng những loại thuốc có trọng lượng phân tử lớn, nhờ đó, thuốc sẽ không hấp thu vào máu và không ảnh hưởng đến thai nhi.
Dùng nước muối ấm và đá muối. Thai phụ nên ngâm vùng hậu môn trong dung dịch gồm 3 lít nước ấm và 100g muối trong 30 phút. Sau khi ngâm xong, chị em chườm cục nước đá muối (tạo thành từ 50 ml nước uống và một thìa canh muối) lên búi trĩ. Quy trình này nên được thực hiện 3 lần mỗi ngày, giúp giảm viêm.
Dụng cụ làm lạnh Cryotherapy là sử dụng nhiệt lạnh tác động trực tiếp lên vùng trĩ để làm co rút mạch, từ đó, làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Chiếu plasma lạnh vào vùng trĩ sưng. Trong môi trường plasma, ion oxy và nitơ hoạt hóa có tác dụng làm giảm sưng búi trĩ, diệt vi khuẩn, làm dịu các triệu chứng đau rát
Ngồi đệm khoét lỗ là loại đệm với thiết kế dạng tròn, thường được làm từ cao su non, có lỗ rỗng ở giữa, giúp cách ly phần hậu môn với mặt ghế ngồi.
Uống rau diếp cá xay, dùng 150 g một ngày (một ngày uống 3 lần) giúp giảm sưng búi trĩ.
Các bài tập hậu môn, trực tràng giúp thúc đẩy nhu động ruột để đi tiêu dễ hơn, cải thiện các triệu chứng đau và sa của bệnh trĩ.
![Bác sĩ Hậu trong một ca phẫu thuật trĩ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/09/05/phau-thuat-benh-tri-9389-1662343100.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NtB5hXwsswe6UTLIXApTRg)
Bác sĩ Hậu trong một ca phẫu thuật trĩ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo bác sĩ Hậu, đa số các triệu chứng bệnh trĩ khi mang thai sẽ tự khỏi ngay sau khi sinh, chỉ một số ít trường hợp cần phẫu thuật. Trên lý thuyết, sau sinh, mẹ có thể phẫu thuật cắt trĩ ngay. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể làm tắc sữa, ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Người mẹ nên được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn trong tối thiểu 6 tháng.
Nếu trĩ phát triển đến mức độ không thể không phẫu thuật, lúc này, mục tiêu điều trị không chỉ là giải quyết trĩ mà còn cần đảm bảo không tắc sữa. Thông thường, sau khi phẫu thuật trĩ, người mẹ sẽ được chỉ định dùng kháng sinh trong 1-2 tuần. Tuy nhiên, kháng sinh có thể theo sữa mẹ xâm nhập vào cơ thể bé và một số loại thuốc khác được chỉ định sau phẫu thuật ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa của người mẹ.
Để khắc phục vấn đề này, theo bác sĩ Hậu, người mẹ nên được cho dùng kháng sinh dự phòng, tức là chỉ dùng trong một ngày duy nhất; kết hợp sử dụng các liệu pháp kháng viêm chống sưng khác như chiếu plasma lạnh... Người mẹ sẽ ít phải dùng thuốc hơn, giảm nguy cơ mất sữa.
Phi Hồng