Tôi là một người vốn không hay xem phim Trấn Thành, nhưng vừa rồi vợ cứ rủ mãi nên tôi cũng đành ra rạp xem Bộ tứ báo thủ. Đánh giá một cách khách quan trên góc độ một khán giả trung lập, tôi thấy phim có thể vui nhộn, nhưng lại thiếu đi chiều sâu, thiếu những tình tiết bất ngờ, khiến người xem cảm thấy "lệch nhịp".
Dù rằng phải công nhận Trấn Thành đã bỏ nhiều công sức ra để làm phim, nhưng nếu chỉ có sự nỗ lực thôi thì chưa đủ. Một kịch bản hài, nếu chỉ có những tình huống chọc cười đơn giản và dễ đoán, thì dù có thêm bao nhiêu gương mặt mới, cũng không thể cứu vãn được. Bởi điện ảnh, dù vui hay buồn, vẫn cần chạm đến trái tim người xem bằng sự chân thành, chứ không chỉ tiếng cười thoảng qua.
Tôi cho rằng, điện ảnh Việt hiện nay đang đối mặt với nghịch lý "đỉnh doanh thu nhưng đáy chất lượng". Phim của Trấn Thành, dù có thành công về mặt doanh thu, nhưng lại khiến người ta phải hoài nghi về chất lượng thực sự. Nó giống như việc bạn chấp nhận một bát phở nhạt nhẽo trong ngày Tết chỉ vì không còn lựa chọn nào khác, tạm chấp nhận vì "được cái này, mất cái kia".
>> Phim Trấn Thành bị chê dở sao vẫn phá kỷ lục phòng vé?
Sự dễ dãi trong khẩu vị người xem đã vô tình trở thành yếu tố thúc đẩy các nhà sản xuất khai thác, tạo ra những sản phẩm giải trí sơ sài, nhạt nhòa. Phim Việt đang rơi vào vòng lặp của sự an toàn, không dám mạo hiểm để đổi mới. Họ chỉ cần giữ những công thức cũ, dựa vào cái tên bảo chứng doanh thu phòng vé, mà không đầu tư vào kịch bản hay sự sáng tạo thực sự.
Thật tiếc khi xem những tác phẩm như vậy, vì chúng chỉ làm hài lòng những khán giả dễ tính. Còn những ai yêu cầu sự mới mẻ, tinh tế chắc hẳn sẽ phải thất vọng. Chúng ta cần những bộ phim không chỉ kiếm ra tiền mà còn mang lại giá trị thật sự, giúp nâng cao thị hiếu của công chúng.
Rõ ràng phim Việt tới giờ vẫn chỉ có vậy. Kịch bản vẫn cứ nhạt như một ly trà đá bỏ quên trên bàn, nhấp vào không có vị gì đặc biệt, mà nuốt xuống cũng chẳng đọng lại dư vị đáng nhớ. Cách kể chuyện vừa dài lê thê vừa thiếu điểm nhấn, lời thoại không có sức nặng, xem xong chỉ thấy ồn ào chứ không đọng lại cảm xúc gì...
Phim hài mà hài không tới, tình cảm mà không chạm được vào lòng người, cứ như một cuộc trò chuyện dở dang, không ai buồn nghe tiếp, thì chắc chắn không thể ở lại trong tim khán giả. Người xem bây giờ cần một câu chuyện có hồn, chứ không phải một tập hợp những mảnh ghép vụn vặt.
- 'Nhà bà Nữ thành công nhờ sự đơn giản'
- Phim Nhà bà Nữ tệ, sao doanh thu cao?
- 'Ngáp ngắn ngáp dài xem phim Nhà bà Nữ'
- 'Phim Việt giả trân vì để diễn viên 30 tuổi đóng vai ông lão'
- Phim Việt khó mơ Oscar nếu làm 'đao to búa lớn'
- Phim Việt tràn ngập cảnh giả trân