Là một người từng hoạt động cho ba ông lớn xe công nghệ ở Việt Nam, tôi xin phân tích những mặt tối của ngành này. Bài viết của tôi không nhằm hạ thấp nghề tài xế xe công nghệ, mà chỉ muốn cung cấp thêm thông tin (bên cạnh những điều mà người ta hay nghĩ như dễ kiếm tiền, không đòi hỏi bằng cấp...) để các bạn hiểu rõ hơn trước khi quyết định có dấn thân làm nghề hay không?
Thứ nhất, chạy xe ôm công nghệ tổn hại về sức khỏe, tài sản. Điều này có lẽ đã có nhiều người đề cập tới nên tôi không cần phải nói quá nhiều.
Thứ hai, tài xế có nguy cơ cao gặp tai nạn và gây ra tai nạn cho người khác. Điều này cũng dễ hiểu vì quá trình chạy xe trên đường liên tục trong một thời gian dài dễ khiến tài xế mất tỉnh táo.
Thứ ba, tính cạnh tranh rất cao. Có khi, chỉ trên cùng một tuyến đường mà bạn phải cạnh tranh với cả chục đồng nghiệp khác từ cùng hãng xe đến công ty đối thủ.
Thứ tư, áp lực về thời gian giao hàng, thời gian đưa đón. Không phải khách hàng nào cũng dễ tính và họ có thể giục bạn phải phục vụ nhanh đến mức vô lý mà chẳng thêm cho bạn đồng tiền tip nào. Điều đó có thể khiến bạn vô tình vi phạm giao thông và bị phạt nặng. Đương nhiên thiệt hại là do bạn tự gánh lấy.
Thứ năm, tuy gọi là công việc tự do, thoải mái về giờ giấc, nhưng ngày nào bạn nghỉ thì xem như không kiếm được tiền, chứ không như các công việc văn phòng khác, chỉ cần còn ngày phép thì bạn vẫn nhận nguyên lương. Chính vì thế nên mới có những người dù ốm đau, rất mệt, nhưng vẫn không dám nghỉ vì sợ mất thu nhập ngày đó.
>> 'Cú tát' 13.000 đồng khiến tôi nản lòng làm shipper
Thứ sáu, đây là một công việc rất thụ động vì thu nhập của bạn phụ thuộc vào việc hệ thống có phát cuốc cho bạn hay không? Có khi, bạn đổi hai, ba khu vực, mỗi nơi ngồi chờ cả nửa tiếng đồng hồ mà vẫn chẳng "nổ" cuốc xe nào. Đó là chuyện rất bình thường mà bạn chẳng có cách nào đòi hỏi quyền lợi được.
Thứ bảy, điều quan trọng nhất là tài xế xe ôm công nghệ chỉ là đối tác với các hãng xe, còn người đem lại thu nhập cho bạn là khách hàng. Nói hơi thô thì khi có vấn đề xảy ra thì có lẽ phải đến 90% phần thiệt thuộc về cánh tài xế.
Cuối cùng, nên nhớ bạn có tắt app hay nghỉ chạy luôn thì các hãng xe cũng không quá bận tâm, vì khi nào mà chẳng có tài xế mới xin vào chạy (cung vượt xa cầu).
Tóm lại, công việc này sinh ra là để cho những người có thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập sau giờ hành chính, hoặc những lao động phổ thông không có khả năng hay điều kiện học lên bậc cao đẳng, đại học. Nhưng chính vì những hào nhoáng bên ngoài của nó mà nhiều người coi đây là công việc chính. Chỉ khi dấn thân vào bạn mới thấy những cái mất, cái được.
Dĩ nhiên, tôi tôn trọng quyết định của mỗi người. Nhưng trước khi quyết định đây có nên là nghề nghiệp chính của mình hay không, tôi khuyên các bạn phải hiểu rõ bản chất của nó để cân nhắc thiệt - hơn. Đừng để bản thân phải hối hận muộn màng.
- Làm shipper tháng kiếm 18 triệu đồng - từ mơ mộng đến vỡ mộng
- 'Bằng giỏi đại học vứt xó để đi chạy xe ôm'
- 'Tốn 16 năm ăn học chỉ để chạy xe ôm công nghệ'
- Khi cử nhân đại học kéo nhau xuống đường làm shipper, xe ôm công nghệ
- Anh xe ôm Sài Gòn: 'Con giúp bác thôi, không lấy tiền đâu'
- Sinh viên ra trường với kinh nghiệm 4 năm chạy xe ôm công nghệ