"Tôi là một người đang sinh sống và làm việc ở Đức. Nói về vấn đề đốt rơm rạ của người dân ở Việt Nam, thú thực mỗi lần nhìn thấy những hình ảnh như vậy tại quê nhà, là tôi lại thấy tiếc, vì:
Thứ nhất, nhiều người dân ở ta vẫn không biết (hay cố tình lờ đi) hành động đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí khủng khiếp, gây tác động tiêu cực cho chính con người.
Thứ hai, số rơm rạ đó thực ra hoàn toàn có thể đem bán để làm thức ăn cho trâu, bò ăn vào mùa đông; hoặc sử dụng để trồng nấm rơm; hoặc có thể chôn dưới đất để làm phân bón, giúp cho chất lượng đất tốt hơn ở vụ sau... Thế nên, nông dân hoàn toàn không cần phải đốt rơm rạ theo cách truyền thống, giúp giảm ô nhiễm không khí.
Bản thân tôi khi sống ở Đức, nhận thấy bao bọc quanh các thành phố lớn, nhỏ tại bang của mình đều là các cánh đồng rộng bạt ngàn, không thấy điểm dừng. Người nông dân ở đây trồng lúa mì, lúa mạch và thu gom rơm rạ làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông. Tuyệt nhiên, tôi không thấy ai dám đốt thứ gì. Ngay cả người dân còn không đốt đống lửa to trong vườn của mình nữa. Vì hàng xóm nếu trông thấy sẽ gọi cảnh sát ngay.
Vào mùa thu, lá và quả trong vườn rụng nhiều, tôi cũng đào hố để chôn và sẽ năm sau sẽ trồng rau ở đúng vị trí đó. CHẳng riêng gì tôi mà ai ở đây cũng làm vậy cả. Vì vậy, đất đai trong khu vực nói chung đều rất tốt, trồng gì cũng xum xuê. Người dân chúng tôi còn chôn lấp rác thực vật và còn ủ kompost sau nhà để năm sau lấy đất này trồng hoa. Nhờ đó, chúng tôi không cần phải tốn tiền mua đất trồng.
>> Ô nhiễm Hà Nội có mùi khét đốt rơm rạ
Ngay cả ở các thành phố lớn cũng vậy, người Đức thường gom lá cây trong công viên, gom rác (thực vật) đã qua phân loại từ nhà dân để về ủ thành đất trồng phục vụ cho mảng xanh công viên. Họ không hề có tư tưởng đốt rác như ở Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta cũng có thể làm được như vậy mà chẳng khó khăn gì.
Ở nông thôn, nếu có đất trống sau nhà thì chôn lấp rác thực vật vô cùng dễ dàng. Ở thành thị, chúng ta cũng có thể chôn rác thực vật (lá, cỏ, rau, củ...) dưới đáy chậu rồi trồng cây phía trên. Những hành động rất nhỏ như vậy nhưng lại mang lại những ý nghĩa hết sức to lớn: giúp cây trồng phát triển tốt và giảm ô nhiễm môi trường.
Đó là chia sẻ của độc giả Nguoixala xung quanh thực trạng đốt rác và rơm rạ vẫn diễn ra phổ biến ở Việt Nam, gây ảnh hưởng tới các khu dân cư và đường quốc lộ. Đây được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm không khí.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, chất lượng không khí ở Hà Nội chuyển xấu từ tháng 10/2024, khi thời tiết giao mùa và bước vào chính đông. Hai trên ba trạm quan trắc tại thành phố ghi nhận chất lượng không khí ở mức rất xấu vào ngày 23/12, khi AQI (chỉ số chất lượng không khí) trên 200, cảnh báo ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong ba tiếng từ 21h đến 23h ngày 21/12, chỉ số AQI lên đến 380 - mức nguy hại, cảnh báo khẩn cấp ảnh hưởng sức khỏe. Ngày 10/12, hệ thống thống kê hơn 30.000 trạm quan trắc chất lượng không khí trên toàn thế giới xếp hạng Hà Nội ô nhiễm nhất với chỉ số chung 198.
- Sốt ruột chờ Hà Nội hạn chế xe cá nhân khi không khí ở mức nguy hại
- 'Chẳng dám chuyển nhà ra ngoại thành dù không khí Hà Nội ô nhiễm'
- 'Không khí Hà Nội ô nhiễm vì nhiều ôtô hơn TP HCM'
- Nguyên nhân bụi mịn ở Hà Nội vượt xa quy chuẩn
- 'Đẩy nhanh cấm xe khi Hà Nội báo động đỏ ô nhiễm bụi mịn'
- Vỡ mộng chuyển nhà từ TP HCM về tỉnh để không phải hít bụi