Tôi cho rằng, vấn đề lớn nhất của nhà ở xã hội hiện nay không phải là giá. Mức giá 25–27 triệu đồng một m2 thực ra không quá rẻ, nhưng nếu so với mặt bằng giá căn hộ thương mại ở các quận nội đô – nơi người ta vẫn sẵn sàng tranh nhau, sứt đầu mẻ trán để đặt cọc giữ chỗ với giá gấp rưỡi, gấp đôi – thì mức giá ấy vẫn còn là "có dễ chịu hơn rất nhiều".
Nhưng câu hỏi lớn hơn là: ai mới thực sự mua được những căn nhà ở xã hội đó? Những người có nhu cầu thật sự như công chức, viên chức, người lao động thu nhập thấp, liệu có tiếp cận nổi không? Hay phần lớn nguồn cung lại rơi vào tay những người không thiếu nhà, nhưng thiếu cơ hội đầu tư?
Tôi không phủ nhận rằng chính sách hiện nay đã có những điều kiện để ràng buộc người mua, ví dụ như không được sang nhượng trong 5 năm. Nhưng chính điều đó lại tạo ra một nghịch lý: 5 năm là đủ dài để người mua "lách" bằng nhiều cách, nhưng lại chưa đủ dài để khiến giới đầu cơ nản lòng.
Tôi theo dõi các dự án nhà ở xã hội gần đây và không ít lần thấy nghịch lý: cứ mở bán là cháy hàng. Trong khi đó, một số người mua chỉ đăng ký "giữ chỗ", còn thực tế không phải ai cũng có nhu cầu ở thật. Có không ít trường hợp sau vài năm, nhà đã được sang tay bằng nhiều hình thức "lách luật", như hợp đồng ủy quyền, giấy viết tay, cho thuê trá hình...
>> Hai tháng gian truân mua nhà ở xã hội của tôi
Một người bạn tôi là giáo viên hợp đồng ở Hà Nội, thu nhập chỉ đủ sống, muốn mua một căn nhà ở xã hội gần trường nhưng rốt cuộc phải dừng lại không phải vì giá cao mà vì không cạnh tranh nổi suất mua với dòng người đầu cơ.
Theo tôi, nếu thực sự muốn phân biệt rõ nhu cầu của người mua nhà ở xã hội và lọc được những người chỉ mua để đầu cơ, thì chỉ cần điều chỉnh theo hướng: kéo dài thời hạn cấm chuyển nhượng nhà ở xã hội từ 5 năm lên 10 hoặc 15 năm. Khi đó, những người mua với mục đích đầu cơ sẽ tự động rút lui. Không ai bỏ tiền ra chôn vào một tài sản mà ít nhất 10–15 năm sau mới được bán, đặc biệt là trong thị trường bất động sản đầy biến động như hiện nay.
Điều này không phải mới. Ở Singapore – một quốc gia có chính sách nhà ở công rất phát triển, thời gian cấm chuyển nhượng nhà ở HDB (dành cho đa số dân chúng) thường kéo dài tới 10 năm, kèm theo hàng loạt điều kiện chuyển nhượng rất chặt chẽ để ngăn đầu cơ. Họ quan niệm rằng nhà ở xã hội là để ở, không phải để sinh lời, và chính nhờ điều đó mà phần lớn người dân Singapore đều sở hữu nhà.
Chỉ khi việc đầu cơ không còn "lãi nhanh", cơ hội mới đến với những người thực sự cần nhà để ở. Lúc ấy, giá thành không cần rẻ hơn nữa, nhưng sự công bằng trong tiếp cận nhà ở sẽ rõ ràng hơn rất nhiều. Tôi tin, không có chính sách nào là hoàn hảo ngay từ đầu. Nhưng những điều chỉnh nhỏ, nếu đánh trúng bản chất vấn đề, hoàn toàn có thể tạo ra khác biệt lớn.
- 'Xe hơi đậu kín khu nhà ở xã hội'
- 'Tháo rào' cho nhà ở xã hội bằng cách cho thuê, trả góp
- 'Nhà ở xã hội nên ưu tiên cho thuê'
- 'Tôi thu nhập 30 triệu đồng nhưng không được mua nhà ở xã hội'
- 'Người có xe hơi vẫn mua được nhà ở xã hội'
- '17 năm tích lũy không mua nổi nhà ở xã hội'