Kỳ thi tốt nghiệp trung học giờ đã trở thành chuyện ngày xửa ngày xưa đối với tôi. Vậy mà tôi vẫn nhớ rằng năm đó có một bạn đạt điểm 10 môn Văn trên toàn quốc. Kỳ thi năm nay lại có người điểm 10. Bao nhiêu năm qua rồi mà điểm 10 môn Văn vẫn rất hiếm hoi và vẫn bị đem ra mổ xẻ. Vậy thì tiêu chí chấm điểm môn Văn nó thế nào?
"Đáp án" môn Văn là một điều khiến nhiều giáo viên môn Văn khó chịu. Có lần các nhà giáo phản ánh rằng họ chấm thi tốt nghiệp mà có "dàn bài", "các ý" cần phải có trong bài văn thì mới được điểm.
Giáo viên dạy Văn lớp 12 của tôi cũng phải cho chúng tôi dàn bài phân tích, bắt chúng tôi học thuộc, tuy không phải là văn mẫu nhưng cũng là cái dàn bài. Đó là trường chuyên, lớp chọn, giáo viên đạt viên phấn vàng, tiếng tăm nhất tỉnh nhưng vẫn bị cái "đáp án" đó nó lơ lửng trên đầu, thầy trò đều sợ.
Nói về việc chấm điểm môn Văn thì người Việt sẽ tìm thấy một quá trình tương tự xảy ra ở môn tiếng Anh. Không phải là môn tiếng Anh trong kì thi tốt nghiệp trung học, mà là môn Viết (writing) trong kì thi TOEFL hay IELTS.
Môn Viết trong kì thi TOEFL thật ra cũng có khung điểm ("rubric"), tương tự như barem, nhưng "rubric" thường được áp dụng trong những môn mà không có câu trả lời "chỉ một không hai". Một bài toán thì sẽ chỉ có một hay nhiều lắm là hai cách giải, hơn nữa chắc chắn chỉ có một đáp án mà thôi. Còn bài văn thì cho một trăm người viết sẽ có một trăm bài khác nhau, trừ khi là học vẹt, chép lại toàn bộ bài văn mẫu.
>> Môn Văn cũ kỹ khiến nhiều người thấy sách trăm trang là nhức đầu
Chỉ cần gõ vài từ trên mạng là ta có thể tìm ra cái "rubric" cho môn "writing" TOEFL. Để đạt điểm loại cao, khoảng 26-30 trong môn Viết, tiêu chí được đặt ra gồm có: đúng chính tả, ngữ pháp, dùng khái niệm và từ ngữ đúng nghĩa; bài viết đầy đủ ý nghĩa, được tổ chức tốt; đưa ra ý kiến rõ rệt, đưa ra các lập luận chuẩn xác để bảo vệ ý kiến; diễn tả các khái niệm và ý tưởng của người khác một cách chuẩn xác và trích dẫn đầy đủ.
Vì vậy khi bài tự luận của kì thi IELTS là "vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại" thì sẽ chẳng bao giờ có cái barem chấm điểm kiểu như "Ý 1- phụ nữ hiện nay tham gia lao động nhiều, Ý 2- phụ nữ tăng vai trò lãnh đạo".
Ai muốn nói gì về vai trò của phụ nữ hiện nay thì nói, miễn là đừng nói sang vai trò của nam giới, và viết lách sao cho mạch lạc, chuẩn xác, đúng chính tả ngữ pháp, đưa ra những ý tưởng có lý và lý luận để bênh vực những ý tưởng đó, thế là đủ.
Kỳ thi ngữ văn là dành cho các em học sinh Việt nói tiếng Việt, còn kỳ thi TOEFL hay IELTS là dành cho các sinh viên bản ngữ không phải là tiếng Anh. Tuy rằng khó có thể so sánh, nhưng nếu suy nghĩ cho kỹ thì điểm môn ngữ văn sẽ được dùng để xét đầu vào đại học Việt. Còn điểm thi TOEFL hay IELTS thì để xét vào đại học các nước nói tiếng Anh.
Tôi xin thành thật thẳng thắn thú nhận rằng, khi tôi học ở Việt Nam thì được đánh giá là giỏi văn nhưng tôi không có điểm 10 môn văn, còn khi đi thi TOEFL thì tôi có điểm 30 môn viết. Điểm 30 đó là do sau 7 năm ở nước ngoài, học 4 năm đại học và đi làm 3 năm bằng tiếng Anh, nhưng chắc chắn là vào lúc đó tiếng Anh của tôi vẫn chưa bằng người bản ngữ, kể cả môn Viết.
Nói cách khác, điểm thi môn văn để vào đại học Việt Nam của tôi lại kém hơn điểm thi môn tiếng Anh để vào đại học Mỹ của tôi (thật ra thì khi đó tôi đi thi TOEFL để xét tuyển vào bậc tiến sĩ Mỹ). Nguyên nhân là môn Văn của Việt Nam rất lạc loài, được dùng để đo đạc những kiến thức hơi vô ích, thậm chí còn vô ích hơn cả tích phân với đạo hàm.
Ở các nước nói tiếng Anh, người ta không dạy văn mà chỉ dạy tiếng Anh (English). Mục tiêu là để người học có thể biết đọc, biết viết, biết diễn tả ý tửơng và truyền đạt thông tin cho nhau. Các tác phẩm văn chương là quan trọng, nhưng chúng chỉ quan trọng vì chúng kể được những câu chuyện bằng từ ngữ và cách diễn tả giúp người ta hiểu được câu chuyện đó là gì. Chứ còn nội dung thì không quan trọng lắm, nhớ được thì tốt, không được chả sao, mà hiểu ý tác giả hay không cũng không quan trọng. Thậm chí nếu thật sự "em hiểu sai ý tác giả" thì tác giả mới là người có lỗi, viết kiểu gì mà để cho người ta đọc vô lại hiểu sai thế này?
Lỗi hoàn toàn không phải do các giáo viên dạy Văn. Lớp 12, họ dạy để cho học sinh đi thi, cũng như các lò luyện thi IELTS cũng dạy môn "writing" cho người học đi thi. Họ phải trông vào cái "đáp án" của môn Văn mà dạy chứ đâu có thể trông vào việc "phát triển ý tưởng, lý luận chuẩn xác, văn phong mạch lạc" được.
Bất kỳ giáo viên nào cũng biết rõ rằng, cái "đáp án" kia là cái đích mà học sinh mình phải vươn tới. Nhưng không có đáp án kì thi văn nào lại có thể chỉ ra đích xác là viết lách thế nào là mạch lạc, lý luận thế nào là hay, từ ngữ thế nào là hoa mỹ. Vì vậy ít ai dám cho điểm 10, bởi như vậy thì tức là mình "khôn hơn đáp án".
Vậy là thầy trò Việt Nam vẫn cứ tiếp tục bơi mãi trong cái biển học môn Văn mà tìm hoài không đường ra. Giờ thì kỳ thi TOEFL đã dùng trí tuệ nhân tạo để chấm bài viết, người chấm thi chỉ coi lại mà thôi. Trí tuệ nhân tạo thực ra là một thuật toán khổng lồ nhưng nó có thể dùng thuật toán để chấm điểm môn viết TOEFL.
Môn Văn thì bị cái "dàn bài, đáp án" nó đè, cho nên mới có chuyện không ai dám cho điểm 10 môn Văn mà học sinh Việt thì có người thi môn tiếng Anh cao điểm hơn tiếng Việt.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Khanh