Bệnh tiêu chảy được định nghĩa là tình trạng đi tiêu phân lỏng, phân nhiều nước từ ba lần trở lên trong ngày. Tùy vào thời gian kéo dài mà tiêu chảy được chia thành hai loại là cấp tính hoặc mạn tính.
Bác sĩ Hoàng Đình Thành, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, tiêu chảy cấp tính thường chỉ xảy ra trong 1-2 ngày rồi khỏi. Nguyên nhân có thể là do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn hoặc do các bệnh nhiễm virus. Trong khi đó, tình trạng tiêu chảy mạn tính sẽ kéo dài vài tuần và do một số vấn đề sức khỏe như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, bệnh Celiac, tình trạng nhiễm ký sinh trùng... gây ra.
Tiêu chảy có thể gặp ở mọi đối tượng từ người lớn cho đến trẻ nhỏ và nhiều lần trong đời.
Triệu chứng
Triệu chứng chính của bệnh tiêu chảy là đi tiêu phân lỏng hoặc phân có nước thường xuyên, đồng thời tăng cảm giác muốn đi tiêu. Tùy nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ mà bệnh có thể biểu hiện thành các triệu chứng khác nhau.
![Tiêu chảy có thể gây đau quặn bụng, tăng nhu cầu đi vệ sinh...Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/08/unnamed-9-7733-1646710753.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MgUVwdFw2uZbpsXZGLSs4Q)
Tiêu chảy có thể gây đau quặn bụng, tăng nhu cầu đi vệ sinh...Ảnh: Shutterstock
Các triệu chứng của tiêu chảy nhẹ bao gồm đầy hơi, đau quặn bụng, buồn nôn, tăng nhu cầu đi vệ sinh. Nếu bị tiêu chảy nặng, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn như sốt, sụt cân, mất nước, đau bụng dữ dội, nôn mửa, phân có máu. Tình trạng mất nước do tiêu chảy sẽ khiến bệnh nhân mệt mỏi, tăng nhịp tim, đau đầu, lâng lâng, khô miệng, khát nước và giảm tần suất đi tiểu.
Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây tiêu chảy:
Nhiễm virus
Một số loại virus có khả năng gây tiêu chảy như norovirus, rotavirus, adenoviruses, astrovirus cytomegalovirus, virus viêm gan. Trong đó, rotavirus là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp ở trẻ em.
Nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng
Vi khuẩn Salmonella, Campylobacter, Shigella và Escherichia coli thông qua thức ăn, nước uống sẽ xâm nhập, tấn công đường tiêu hóa và dẫn đến tiêu chảy. Trong khi đó, một số ký sinh trùng như Giargia, Cryptosporidium và Microsporidium có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính.
Bệnh lý đường tiêu hóa
Hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột là hai nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính phổ biến. Các bệnh lý đường tiêu hóa khác như viêm đại tràng vi thể, bệnh Celiac, nhiễm trùng mạn tính, bệnh Addison, ung thư đường tiêu hóa... cũng có thể gây nên tình trạng này.
Tác dụng phụ của thuốc
Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt cả những vi sinh vật có lợi trong đường tiêu hóa, gây xáo trộn sự cân bằng tự nhiên của hệ vi khuẩn đường ruột, từ đó, dẫn đến tiêu chảy. Các loại thuốc khác như thuốc điều trị ung thư hoặc thuốc kháng axit có chứa magiê cũng có khả năng gây ra tình trạng này.
Dị ứng hoặc không dung nạp với một số loại thực phẩm
Tình trạng không dung nạp lactose là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy thường gặp. Những người mắc phải tình trạng này thường khó tiêu hóa đường lactose có trong sữa và các sản phẩm từ sữa, từ đó dễ bị đau bụng, đi tiêu phân lỏng.
Phẫu thuật
Đôi khi, phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột hoặc túi mật có thể gây tiêu chảy.
Chẩn đoán
Khi bệnh nhân bị tiêu chảy, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, các loại thuốc đang sử dụng, đồng thời tiến hành thăm khám và thực hiện các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh. Các xét nghiệm có thể bao gồm:
Xét nghiệm máu: xét nghiệm công thức máu toàn phần, xét nghiệm đo mức điện giải và chức năng thận có thể giúp bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Xét nghiệm phân: xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ tìm kiếm sự hiện diện của các vi khuẩn, ký sinh trùng có thể gây tiêu chảy.
Xét nghiệm hơi thở hydro: là một thử nghiệm sử dụng phép đo hydro trong hơi thở để chẩn đoán một số tình trạng gây ra triệu chứng tiêu hóa, trong đó có không dung nạp lactose.
Nội soi: bác sĩ có thể đưa một ống nhỏ, có gắn máy quay vào đường tiêu hóa để quan sát và phát hiện các bất thường bên trong dạ dày, đại tràng, đại tràng sigma và trực tràng. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm.
![Bác sĩ của Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa thực hiện nội soi dạ dày. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/08/unnamed-2-9451-1646710754.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GcTjfdjxdDP_hpNE3dzKSA)
Bác sĩ của Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa thực hiện nội soi dạ dày. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Điều trị
Bác sĩ Thành cho biết, hầu hết các trường hợp tiêu chảy cấp sẽ tự khỏi trong vài ngày mà không cần điều trị gì đặc biệt. Với đa số các trường hợp, bác sĩ sẽ khuyến khích bệnh nhân bổ sung đầy đủ nước và chất điện giải thông qua chế độ ăn uống để ngăn ngừa mất nước. Nếu ăn uống làm rối loạn dạ dày hoặc gây nôn, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Khi bị tiêu chảy, bệnh nhân nên thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức uống chứa caffeine hoặc có ga.
Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài vài tuần, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh để lựa chọn phương án điều trị phù hợp cho bệnh nhân, bao gồm:
Thuốc kháng sinh: kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị các tình trạng nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây tiêu chảy.
Thuốc điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa: nếu nguyên nhân gây tiêu chảy là do các bệnh lý đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp để kiểm soát những tình trạng này.
Điều chỉnh thuốc sử dụng: nếu việc sử dụng kháng sinh khiến bệnh nhân bị tiêu chảy, bác sĩ có thể cân nhắc đến việc giảm liều hoặc thay đổi thuốc.
Sử dụng chế phẩm sinh học: probiotic có thể được sử dụng để thiết lập lại sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột, từ đó giúp làm giảm triệu chứng tiêu chảy.
Phòng ngừa
Vệ sinh an toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tiêu chảy do nhiễm khuẩn và ký sinh trùng. Các chuyên gia y tế khuyến nghị mọi người nên ăn các loại thực phẩm đã nấu chín kỹ, uống nước đun sôi để nguội hoặc nước đóng chai, tránh ăn các loại thực phẩm đã hỏng, rau sống hoặc trái cây chưa được rửa sạch. Rửa tay thật kỹ trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với thịt sống, thay tã, hắt hơi hoặc ho.
Một số loại virus gây tiêu chảy như rotavirus, có thể được ngăn ngừa bằng vaccine. Trẻ em nên tiêm vaccine ngừa rotavirus trong 6 tháng đầu đời. Bệnh nhân (nhất là trẻ nhỏ) cần thận trọng khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, tốt nhất là nên dùng theo đúng hướng dẫn sử dụng hoặc chỉ định của bác sĩ.
Phương Quỳnh