Nói về việc học tiếng Anh, hay bất kỳ một ngoại ngữ nào nói chung, tôi có một vài nhận định riêng như thế này:
Thứ nhất, tiếng Anh được xem là "ngôn ngữ toàn cầu", trong bối cảnh thế giới ngày càng giao lưu, cởi mở, hội nhập.
Có thể không sử dụng quá thường xuyên, nhưng mình tin rằng gần như mỗi người chúng ta đều ít nhất một lần trong đời "chạm mặt" các câu, chữ tiếng Anh. Khi đó, nếu ta không hiểu, cái giá phải nhận đôi khi không ít.
Có chăng là chương trình giáo dục hiện hành của môn tiếng Anh đang thực hiện sai cách, "cào bằng" hết tất cả mọi người, với mọi công việc khác nhau. Vì vậy, theo tôi, cái cần thay đổi là "cách tiếp cận và yêu cầu về tiếng Anh phù hợp cho từng đối tượng".
Thứ hai, tôi nghĩ rằng tiếng Anh, hay bất kỳ ngoại ngữ nào, chỉ nên được xem là "công cụ", chứ không phải là "mục tiêu", "đích đến cuối cùng".
Khi bạn học với tinh thần "tiếng Anh là công cụ", cộng với thực tài sẵn có, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn, con đường đến thành công rộng mở hơn so với người không có ngoại ngữ.
Nhưng nếu xem tiếng Anh là "đích đến", bỏ quá nhiều thời gian vào những nội dung không thật cần thiết cho công việc (những từ vựng hàn lâm, cao siêu,...) thì ta sẽ lãng phí thời gian, công sức, và dẫn đến sợ ngoại ngữ.
Học ngoại ngữ luôn là điều cần thiết. Cái cần phải hoàn thiện, là cách nhìn nhận và thực hiện nó của chúng ta mà thôi.
Duy Khang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.