Tôi bắt đầu hình thành thói quen kiểm soát tài chính cá nhân, ghi chép lại các khoản thu chi từ sau khi vào đại học một tháng.
Hồi đó khi rời xa gia đình để lên thành phố nhập học, được tự tay cầm tiền chi tiêu, tháng đầu tôi đã hoang mang khi cuối tháng kiểm lại thấy mình vơi gần hết tiền, mà tôi chẳng tiêu pha gì mấy.
Lúc đó tôi còn nghi hay là mình đánh rơi, hoặc bị bạn cùng phòng móc trộm tiền trong ví mà không biết. Nhưng rồi sau đó tôi thử ghi chép các khoản thu chi hàng tháng thì mới tá hỏa. Đó là những khoản chỉ 5 nghìn đồng, 10 nghìn đồng như mua chai nước, gửi xe mà tôi tưởng không đáng là bao nhiêu, nhưng nó dồn lại cả tháng thì thành ra một con số khá lớn.
Từ đó tôi biết là mình phải có sự quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Tôi tìm đọc các bài viết trên Internet và tự tìm cách phù hợp với bản thân. Từ lúc ấy tôi luôn là người khá rủng rỉnh bất kể lúc nào, trong khi nhiều bạn bè chưa đến cuối tháng, bố mẹ chưa kịp gửi viện trợ đã nhẵn túi.
Từ khi ra trường đến nay, tôi làm việc được gần bảy năm, mức lương không phải là quá cao nhưng nhờ nhận thêm công việc bên ngoài, cùng việc quản lý chi tiêu tốt, tôi tiết kiệm được một khoản tương đối để bắt đầu tự mua cho mình một căn chung cư mà không cần xin thêm từ bố mẹ.
Có nhiều người sẽ cho rằng tôi ăn tiêu tằn tiện để tiết kiệm nhưng không hề, tôi vẫn thường xuyên đi ăn, đi du lịch, đi cà phê... với bạn bè. Nhờ có kinh nghiệm nên tôi biết nhiều chỗ để săn voucher, khuyến mại nên tôi vẫn đi chơi như mọi người nhưng chi phí bỏ ra chỉ bằng 60-70% bình thường.
Còn những "trải nghiệm" đắt đỏ hơn như chơi golf, thử rượu vang, đồ hiệu thì tôi cho rằng hiện tại chưa cần thiết với mình, có thì tốt, không thì thôi, không quan trọng.
Nếu bạn là một người giàu có, thu nhập vài trăm triệu đồng một tháng, thì khi bạn bàn luận về siêu xe, về đồ hiệu mọi người sẽ thấy hợp lý. Nhưng chẳng ai coi trọng bạn nếu họ biết buổi sáng bạn đi đánh golf, tối về ngủ ở một căn nhà trọ.
Bạn có thể gặp doanh nhân A, giám đốc B ở sân golf nhưng chỉ qua vài câu nói là họ sẽ biết bạn và họ không cùng đằng cấp ngay, họ sẽ chỉ nghĩ bạn đang cố gắng tiếp cận để kiếm chác.
Vậy nên tôi cho rằng thay vì đổ tiền vào những trải nghiệm quá tầm bản thân, bạn hãy dành thời gian và tiền bạc để học tập, đầu tư kiếm tiền, nâng tầm tài chính của mình một cách từ từ.
Khi bản thân bạn ở một tầm cao hơn rồi thì những trải nghiệm đắt đỏ nói trên mới phát huy tác dụng của nó.
Lê Thành
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây