Từ lúc có Nghị định 168, tôi thấy rất nhiều video của người đi đường đăng tải lên mạng xã hội, hỏi nhau xem tình huống này có vi phạm giao thông không, nếu muốn đi đúng theo luật thì phải làm như thế nào để tránh mất oan cả tháng lương? Rồi người ta thảo luận rất rôm rả. Cùng có nhiều người vỡ lẽ, cho biết "đến giờ mới hiểu đúng luật giao thông dù đã lái xe nhiều năm".
Từ những câu chuyện đó, tôi nhận ra vẫn còn nhiều điểm còn lỏng lẻo trong hoạt động sát hạch bằng lái xe và việc tuân thủ luật giao thông ở nước ta cần được cải thiện nhiều đến mức nào. Tôi cũng tin rằng đây là cơ hội tốt cho nhiều người tự tìm hiểu lại và nắm vững luật hơn trước khi lái xe ra đường.
Một số người lo ngại chuyện mức phạt quá nặng có thể làm phát sinh những tiêu cực như chuyện người vi phạm tìm cách đưa "tiền cà phê" để được bỏ qua lỗi. Đó thực sự là một vấn nạn đến từ cả hai phía: người vi phạm và người thi hành luật. Nhưng nó hoàn toàn có thể bị triệt tiêu nếu có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý.
Ở đây, tôi cũng rất thông cảm với anh em tài xế vì ở đời phàm cứ làm nhiều thì sẽ sai nhiều. Người lái xe nhiều chắc hẳn sẽ có nguy cơ phạm lỗi nhiều hơn người ít ra đường. Chưa kể, trên đường hiện nay vẫn còn tồn tại những điểm bất cập như cái "bẫy" tài xế. Điều đó chắc hẳn khó tránh, nhưng đã là đặc thù nghề nghiệp thì mỗi người cần phải tìm hiểu trước để tránh bị phạt.
>> 'Phạt nặng người cố ý vi phạm giao thông thay vì người vô tình mắc lỗi'
Mấy ngày nay ra đường, tôi thấy tuy đúng là có hiện tượng kẹt xe hơn trước kia một chút. Nhưng nên nhớ đây cũng đang là giai đoạn cao điểm cuối năm, lượng người đổ ra đường đi lại, mua sắm tăng mạnh nên ùn ứ là điều khó tránh. Tôi chỉ mong mỗi người khi tham gia giao thông hãy chậm lại một chút để đảm bảo an toàn và đúng luật, đừng láo nháo như mọi năm để rồi khiến cả xã hội chậm lại.
Tóm lại, thay đổi thì phải từng bước. Và bước đầu tiên chính là việc siết chặt kỷ cương pháp luật bằng việc mức phạt giao thông để tạo nền nếp mới. Sau đó, cơ sở hạ tầng rồi sẽ thay đổi dần dần để thích ứng theo vào tạo thêm thuận lợi cho người đi đường. Chúng ta không thể có chuyện cứ vượt đèn đỏ, đi ngược đường, leo vỉa hè rồi biện minh là do vội, do đường tắc, do chưa biết luật, do thấy người khác làm, do tiện lợi... mãi được.
Tôi đi qua ngã tư mà mắt cứ phải xem có hung thần nào vượt đèn đỏ hay không, đèn thì đỏ rồi mà hàng dài phương tiện vẫn cứ cố vượt qua rồi quấn nhau như dây thừng ở giữa ngã tư. Như thế vừa chậm, vừa căng thẳng. Mấy ngày nay, tôi thấy ý thức giao thông thay đổi rất tích cực. Cứ đèn đỏ là mọi người dừng lại, không còn hiện tượng cố vượt nữa vì ai cũng sợ bị phạt nặng. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng cho giao thông Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại, cơ quan chức năng cũng nên điều chỉnh lại hệ thống đèn tín hiệu dựa trên mật độ giao thông để tạo thuận lợi cho người dân tham gia giao thông. Ví dụ, thực tế ở ngã năm Ô Chợ Dừa, tôi hay đi từ hướng Hoàng Cầu ra Xã Đàn, thấy đèn xanh chỉ khoảng 15 giây. Lúc không phải giờ cao điểm thì xe cộ qua lại vẫn ổn, nhưng đến lúc tan tầm thì thời gian đèn xanh quá ngắn khiến chỉ vài hàng xe nhích qua được mỗi nhịp đèn. Còn lại, hàng dài xe cộ phía sau phải chờ rất lâu, gây nên ùn tắc kéo dài.
Nếu cải thiện được thời lượng đèn tín hiệu cho phù hợp với từng khu vực, từng thời điểm, tôi tin giao thông sẽ thông suốt, không còn cảm giác ấm ức vì "đường tắc hơn từ khi phạt nặng".
- 'Nhiều tài xế thích thị uy sức mạnh qua tiếng còi'
- 'Ôtô đi thẳng hàng để xe máy bớt khổ'
- Xe rùa bò trên Quốc lộ như 'chim mồi' bẫy vi phạm giao thông
- Vất vả hơn khi qua giao lộ để tránh bị phạt
- 'Rùa bò' qua ngã tư bỏ đếm giây đèn giao thông
- 'Phạt cảnh cáo với người vi phạm giao thông lần đầu để tránh gây sốc'